Trang thông tin điện tử

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Bình

Thứ sáu, 29/03/2024

Ninh Bình, vóc dáng một thành phố trung tâm du lịch, dịch vụ

Thứ hai, 30/06/2014 Đã xem: 1397
Thành phố Ninh Bình vốn là đô thị cổ, có quá trình hình thành và phát triển khá lâu đời. Trước thế kỷ 10, Ninh Bình là cửa biển có tên là "Phúc Thành hải khẩu". Nhờ phù sa của hệ thống sông Hồng và các sông thuộc đồng bằng Bắc Bộ bồi đắp, mảnh đất Ninh Bình dần được hình thành.

Thế kỷ 10, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lập nên nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, đặt tên nước là Đại Cồ Việt.

Đồng thời xây dựng kinh đô Hoa Lư, vùng đất Ninh Bình được gọi là Tràng An. Tràng An là tên gắn với mảnh đất Ninh Bình trong nhiều thế kỷ từ đời Tiền Lê đến Hậu Lê..., thời nhà Nguyễn, năm Gia Long thứ 5 (1806). Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) gọi là đạo Thanh Bình. Năm Minh Mạng thứ 10 đổi là Trấn Ninh Bình. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) chính thức gọi là tỉnh Ninh Bình.

Ngày 30-6-1954, Ninh Bình được giải phóng. Ngay từ kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1960-1965), Ninh Bình đạt nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế - văn hóa -xã hội. Từ năm 1965-1975, tiếp tục bước vào thời kỳ mới: Vừa sản xuất, xây dựng quê hương, vừa sát cánh cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Mở rộng, nâng cấp TP Ninh Bình xuất phát từ thực tiễn phát triển TP Ninh Bình cách Thủ đô Hà Nội 90 km theo quốc lộ 1A về phía nam và gần với các tỉnh, thành phố khu vực châu thổ sông Hồng. Đặc biệt, TP Ninh Bình nằm trên trục kinh tế bắc - nam và trục kinh tế Bắc Trung Bộ nối với vùng Đông Bắc giàu tài nguyên, có sông Đáy tạo thành hệ thống cảng sông hiện đại là nền tảng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Tổng diện tích tự nhiên của thành phố Ninh Bình là 46,72 km2 với hơn 160 nghìn người. Ngày 3-12-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 177/2007/NĐ-CP thành lập phường Ninh Sơn thuộc thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Kể từ đó, thành phố Ninh Bình là đô thị loại III, trực thuộc tỉnh Ninh Bình với 14 đơn vị hành chính bao gồm 11 phường và ba xã.

Nét nổi bật trong sự phát triển của thành phố Ninh Bình thời gian qua là chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng cùng với phát huy thế mạnh của một thành phố có nguồn lao động dồi dào, trình độ văn hóa và tay nghề nổi trội hơn các huyện trong tỉnh. Từ năm 2005 đến nay, khi những danh thắng của một vùng đất có ba triều đại vua: Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn và Lý Thái Tổ được đầu tư để phát triển du lịch kéo theo dịch vụ thương mại nở rộ giúp hàng nghìn lao động có việc làm. Một số công trình di tích, cảnh quan có giá trị ở thành phố Ninh Bình được nhiều du khách chú ý như: chùa A Nậu, chùa Đẩu Long, khu di tích núi Non Nước, danh thắng núi Kỳ Lân, công viên văn hóa Tràng An. Liên kết với khu du lịch hang động Tràng An, điểm nhấn để phát triển du lịch Ninh Bình... Ngoài ra, làng hoa Ninh Phúc và Ninh Sơn cung cấp hoa và rau sạch, làng nghề mộc Phúc Lộc cung cấp nhiều sản phẩm giá trị. Biểu tượng du lịch của thành phố Ninh Bình là hình ảnh "núi Thúy, sông Vân". Thành phố hiện có 235 cơ sở lưu trú trong đó có 176 khách sạn, đặc biệt có ba khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao (KS Legend, KS Hoàng Sơn, KS Quang Trung), 178 cơ sở dịch vụ nhà hàng đáp ứng cơ bản về nhu cầu ăn, nghỉ của khách du lịch. Chỉ tính ba năm (2011, 2012, 2013), lượng khách du lịch của tỉnh Ninh Bình không ngừng tăng. Cụ thể: năm 2011: 3,4 triệu lượt người, năm 2012: 3,9 triệu lượt người, năm 2013 khoảng năm triệu lượt người. Trong đó, thành phố Ninh Bình là nơi hấp dẫn đối với du khách quốc tế bởi nhiều di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Cùng với du lịch, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của thành phố phát triển khá nhanh, riêng về doanh nghiệp tư nhân, năm 1996 chỉ có 76 doanh nghiệp, đến nay nâng lên 5.770 hộ sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố lên 6.290 tỷ đồng.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn được các cấp ủy Đảng và chính quyền thành phố Ninh Bình đặc biệt quan tâm. Đến tháng 12-2012, thành phố Ninh Bình có cơ sở y tế tuyến tỉnh với tổng số giường bệnh 1.515 giường. Cơ sở y tế tuyến thành phố: Phòng Y tế, Trung tâm Dân số - KHHGĐ, Trung tâm Y tế với tổng số giường bệnh 20 giường. Cơ sở y tế tuyến phường, xã: bao gồm 14 trạm y tế trong các phường, xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Ngoài ra, cơ sở y tế tuyến khu vực, ngành: một Bệnh xá công an tỉnh, một Viện Quân y 5 với tổng số 186 giường bệnh. Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, vui chơi giải trí được các cấp ủy Đảng và chính quyền thành phố quan tâm đầu tư: Trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao thanh thiếu niên tỉnh Ninh Bình, Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh, Trung tâm TDTT, Thư viện tỉnh Ninh Bình, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Rạp chiếu phim tỉnh Ninh Bình, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế,... và nhiều hiệu sách tư nhân khác. Đồng thời, hệ thống truyền thanh từ thành phố đến các phường, xã được củng cố và đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại.

Thành phố có Đài phát thanh truyền hình tỉnh Ninh Bình, Đài phát thanh thành phố Ninh Bình phủ sóng đến 100% khu dân cư và các phường, xã đều có đài truyền thanh cơ sở. Mặt khác, hệ thống công trình thể dục, thể thao trên địa bàn thành phố Ninh Bình khá phát triển với tám sân vận động (SVĐ tỉnh, Sân thể thao công cộng thành phố, SVĐ phường Đông Thành, Sân bóng đá Trung tâm TDTT tỉnh, SVĐ phường Ninh Phong, SVĐ phố An Lạc, SVĐ phường Nam Thành, SVĐ Quân y viện 5). Lĩnh vực đào tạo được các cấp ủy đảng và chính quyền ở thành phố Ninh Bình đặt lên hàng đầu. Chỉ tính năm 2012, thành phố có 100% trường học, cơ sở đào tạo khang trang, trong đó 42 trường đạt chuẩn quốc gia và đến nay có tám trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bao gồm: 16 trường mầm non, 14 trường tiểu học, 12 trường THCS, sáu trường THPT. Ngoài ra, hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề có một trường đại học, trường cao đẳng, trường THCN, trường trung cấp nghề...

Xây dựng TP Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch -dịch vụ và công nghiệp Để đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại II (nhất là tiêu chí về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị), thành phố Ninh Bình đang tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đối với tất cả các nhóm chỉ tiêu nhằm phát triển đô thị một cách toàn diện với mục tiêu nâng cao chất lượng đô thị. Trong đó, tập trung thực hiện các dự án ưu tiên giai đoạn ngắn hạn 2013 -2016 và một số công trình cấp thiết, có tính chất thay đổi bộ mặt thành phố nhằm hoàn thiện đối với nhóm chỉ tiêu còn thiếu (đạt điểm trên mức tối thiểu quy định đối với đô thị thông thường, nhưng chưa đạt được điểm tối đa). Mặt khác, tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đối với các tiêu chí đã đạt và vượt mức tối đa theo các tiêu chuẩn của đô thị loại II.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, trước hết triển khai một số dự án trọng điểm như: Dự án xây dựng khu quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế bao gồm triển khai các dự án đường Đinh Tiên Hoàng kéo dài, kè hồ Biển Bạch, xây dựng vỉa hè, cây xanh, trồng hoa, điện chiếu sáng đường Lê Thái Tổ (đường kênh thoát nước chính), hoàn thành việc xây dựng hệ thống đường ống trục chính cấp nước máy cho 100% các hộ dân thành phố trong năm 2013, làm cầu dân sinh qua sông Vân, từ đường Nguyễn Huệ (phường Nam Bình) sang đường Tuệ Tĩnh (phường Nam Thành). Bên cạnh đó, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án của Trung ương và của tỉnh đầu tư trên địa bàn thành phố, như: ga Ninh Bình mới, Bệnh viện Sản - Nhi, đường ĐT 477 kéo dài (tuyến đường tránh phía tây thành phố Ninh Bình), Khu công viên văn hóa Tràng An, Khu công viên văn hóa - thể thao và vui chơi giải trí thuộc phường Đông Thành và phường Ninh Khánh. Công việc chỉnh trang đô thị bao gồm: cải tạo hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ để bảo đảm mỹ quan đô thị, thay đổi diện mạo của thành phố Ninh Bình.

Tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch các điểm tập kết rác; hoàn thành quy hoạch và xây dựng mở rộng Nghĩa trang Đồng Nèn, xã Ninh Nhất và Nghĩa trang Mả Rứa, phường Ninh Sơn.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, thành phố dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Ninh Bình đã xây dựng chính sách khuyến khích những mô hình, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo hướng ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.

Mặt khác, thành phố quy hoạch, xây dựng một số tuyến đường, tuyến phố thương mại để phát triển kinh tế hộ. Ban đầu, thành phố cần nghiên cứu, quy hoạch phía nam khuôn viên Nhà thi đấu thể dục -thể thao của tỉnh để thành lập khu chợ đêm phục vụ khách du lịch.

Đồng thời, quy hoạch khu vực đền Đồng Bến (phường Đông Thành) để xây dựng địa điểm chợ hoa trên địa bàn thành phố, quy hoạch khu bãi cát đầu cầu Lim (phường Thanh Bình) làm khu kinh doanh của hợp tác xã hoa, rau, cây cảnh phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Về văn hóa - xã hội, tỉnh và thành phố Ninh Bình sẽ quy hoạch, đầu tư một số hạng mục về văn hóa - xã hội, chỉnh trang Công viên Thúy Sơn, Công viên đầu cầu Non Nước, ngã ba Tam Giác, Công viên Tây sông Vân. Nâng cấp một số Nhà văn hóa phường đáp ứng theo tiêu chuẩn của đô thị loại II; hoàn thiện khu thể dục, thể thao phường Tân Thành. Nghiên cứu, xây dựng các hạng mục phù điêu, tượng đá ở Công viên Tây sông Vân, đầu cầu Non Nước, Công viên Thúy Sơn.

Ngoài ra, để bảo đảm cho thành phố Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững trong tương lai, tương xứng với vị thế đô thị loại II, UBND thành phố Ninh Bình tiếp tục tập trung nguồn lực và triển khai giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, quản lý đô thị; xây dựng hạ tầng đô thị, phát triển nhà ở, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Đ Ô thị hóa là xu hướng tất yếu của quá trình vận động, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển. Trong nhiều thập kỷ qua, các đô thị nói chung và thành phố Ninh Bình nói riêng được tỉnh thường xuyên đầu tư, nâng cấp cả về hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan kiến trúc cũng như môi trường, kinh tế, văn hóa, xã hội. Sự phát triển của đô thị đáp ứng kịp thời những đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn cuộc sống về tăng trưởng, trong đó, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã chuyển một số lượng không nhỏ lao động từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại. Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh (khóa 13) ngày 19-7-2012 ban hành Nghị quyết số 10/NQ-HĐND về việc thông qua đề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình là phát triển đô thị phải phù hợp quy hoạch đô thị cả nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển không gian, môi trường phù hợp với nguồn lực của tỉnh theo từng giai đoạn. Để bảo đảm việc mở rộng và nâng cấp thành phố Ninh Bình lên đô thị loại II, các cấp ủy Đảng và chính quyền cần xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nếp sống văn minh đô thị, coi văn minh đô thị là văn hóa quan trọng hàng đầu trong mỗi con người cũng như mỗi địa phương. Mặt khác, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch và các đề án xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp điều kiện của tỉnh để thu hút, huy động nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, bảo đảm tính thống nhất và bền vững cao.


Nguồn: Ninhbinh.gov.vn

Văn bản mới
Xem thêm
Liên kết Website
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

anh 5
ảnh 4
ảnh 3
ảnh 2
Ảnh 1