Trang thông tin điện tử

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Bình

Thứ năm, 28/03/2024

Nhiều giải pháp đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn

Thứ sáu, 09/06/2017 Đã xem: 1542
Thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về: Huy động và sử dụng nguồn lực tài nguyên, thiên nhiên; huy động và sử dụng nguồn lực tài chính; huy động và phát huy nguồn lực con người; về môi trường và điều kiện để huy động và phát huy mọi nguồn lực cũng như sức sáng tạo của nhân dân… để góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm huy động và phát huy mọi nguồn lực cũng như sức sáng tạo của nhân dân để cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn.


 

Để cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ tạo dựng môi trường thuận lợi nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cũng như đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. 

Các cơ quan Nhà nước đã nghiêm túc thực hiện các quy định về đất đai, xây dựng, môi trường đăng ký kinh doanh, các thủ tục hành chính liên quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh. 

Trong lĩnh vực đất đai, tỉnh đã tiến hành hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng, điều chỉnh và công khai Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2016- 2020, tiến hành xác định giá đất cụ thể đối với 97 dự án xây dựng. 

Trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, triển khai thực hiện có hiệu quả hệ thống đăng ký kinh doanh qua bộ phận “Một cửa liên thông”, đảm bảo thời gian thành lập mới doanh nghiệp không quá 3 ngày, thời gian giải thể doanh nghiệp xuống còn 4 ngày. Đã thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp qua hệ thống, tích cực tuyên truyền và vận động các doanh nghiệp tiến hành thực hiện đăng ký doanh nghiệp trực tiếp qua mạng đăng ký quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hoàn thành việc soạn thảo bộ thủ tục về lĩnh vực đầu tư, đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp theo hướng rút gọn quy trình xử lý, giảm bớt thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. 

Trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng nghiêm túc triển khai kế hoạch cho vay hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020 với mục tiêu hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển toàn diện và bền vững, góp phần tạo thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng nhằm phát triển sản xuất. 

Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng tích cực mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế địa phương. Trong đó ưu tiên tập trung vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, vốn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Trong những năm qua, tỉnh đã tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, trước hết là lĩnh vực thu hút và giải quyết các thủ tục đầu tư, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích sản xuất, kinh doanh. Xử lý dứt điểm với thời gian nhanh nhất các vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư như: thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư… 

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, xây dựng phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, quy định rõ thời gian giải quyết hồ sơ, các bước giải quyết hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả. Mô hình “Một cửa”, “Một cửa liên thông” được triển khai đồng bộ, hiệu quả tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% đơn vị hành chính các cấp đã thực hiện cơ chế “Một cửa”. 

Từ giữa năm 2017 tỉnh đã bắt đầu triển khai hệ thống dịch vụ công (một cửa điện tử), tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình làm thủ tục dịch vụ công. Để có thêm kênh thông tin nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thêm hiệu quả và tích cực, tỉnh đã tiến hành tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham vấn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để đưa Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. 

Từ hội nghị đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn phối hợp đề xuất các giải pháp giải quyết các kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nên môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh của tỉnh đã có nhiều chuyển biến. 5 năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đã có sự cải thiện đáng kể về điểm số cũng như xếp hạng. 

Năm 2012 chỉ số PCI của tỉnh mới chỉ đạt 58,87 điểm, xếp hạng 23 toàn quốc thì đến năm 2016 chỉ số của tỉnh đã tăng lên 60,14 điểm, xếp hạng 19 toàn quốc. Bên cạnh đó, chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cũng được cải thiện đáng kể: giai đoạn 2012- 2016 chỉ số xếp hạng PAPI của tỉnh đã tăng 25 bậc, từ hạng 41 quốc gia với 35,98 điểm (năm 2012) lên hạng 16 quốc gia với 37,41 điểm (năm 2016).

Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư cũng luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương thông qua việc huy động đa dạng các nguồn lực phục vụ cho quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Để hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, hiệu quả, tỉnh đã xây dựng định hướng chương trình xúc tiến, kêu gọi đầu tư theo từng ngành, lĩnh vực. Đối với lĩnh vực công nghiệp, tỉnh ưu tiên các dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, dự án sử dụng lao động địa phương, nộp ngân sách cao. 

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nghiên cứu và chế tạo giống chất lượng cao, chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường. Đối với lĩnh vực dịch vụ, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch, các dự án vui chơi, giải trí chất lượng cao, các dự án sản xuất hàng hóa phục vụ du lich…

Để thực hiện các định hướng về thu hút, xúc tiến đầu tư, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tích cực xây dựng, thực hiện các nhóm giải pháp: Tổ chức và phối hợp tham gia các chương trình vận động xúc tiến đầu tư, các hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, thực hiện việc quảng bá hình ảnh và xúc tiến đầu tư với các đối tác nước ngoài, thiết lập quan hệ với thành phố Jecheon và Tập đoàn Kicox (Hàn Quốc) nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh… 

Đồng thời, tỉnh cũng thường xuyên cập nhật thông tin, dữ liệu xúc tiến đầu tư nhằm quảng bá rộng rãi tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cung cấp thông tin kinh tế- xã hội cho các nhà đầu tư thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tính đến tháng 11/2016 đã có 1.280 nghìn lượt người truy cập và phản hồi thông tin qua website: ninhbinhinvest.vn…. 

Nhờ triển khai trọng tâm và có hiệu quả các nhóm giải pháp mà công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh đã đạt những kết quả quan trọng. Tính đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã có 49 dự án FDI đang hoạt động với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 1.252 triệu USD, bao gồm 23 dự án FDI ngoài khu công nghiệp và 26 dự án FDI trong khu công ngiệp, tăng 8 dự án so với cùng kỳ năm 2015.
 

Nguồn: Baoninhbinh.org.vn

Văn bản mới
Xem thêm
Liên kết Website
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

anh 5
ảnh 4
ảnh 3
ảnh 2
Ảnh 1