Trang thông tin điện tử

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Bình

Thứ sáu, 29/03/2024

Ninh Bình, điểm sáng trong phát triển du lịch tâm linh

Thứ sáu, 09/05/2014 Đã xem: 2092


Tăng ni, phật tử về dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2014
 

Du lịch tâm linh là thế mạnh

Phát huy lợi thế là mảnh đất thiêng, từng là cố đô của ba vương triều phong kiến là Đinh, Tiền Lê, Lý gắn liền với những biến chuyển trọng đại trong lịch sử dân tộc; Ninh Bình cũng là nơi hội tụ, giao thoa của Phật giáo và Thiên chúa giáo điển hình của cả nước. Cùng với quá trình lịch sử, vốn di sản văn hóa đó được các thế hệ giữ gìn và phát huy làm giàu có thêm với các dấu ấn qua các thời kỳ, trong đó có các giá trị văn hóa tâm linh độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc, một trong những tiềm năng được tỉnh quan tâm phát triển thành thế mạnh trong ngành "công nghiệp không khói" của Ninh Bình.

Xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn trong mấy năm gần đây được nhiều người biết đến vì trên địa bàn có chùa Bái Đính, ngôi chùa giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam hiện nay. Từ năm 2004 đến nay, nơi đây đã trở thành điểm sáng của cả nước trong phát triển du lịch tâm linh, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương. Điều cảm nhận rõ nhất khi về với vùng đất này chính là cuộc sống của người dân có nhiều đổi thay theo hướng tích cực, bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Ông Phạm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Gia Sinh cho biết: Xã Gia Sinh hiện có trên 1.901 hộ với 7.238 nhân khẩu. Khoảng 10 năm trở về trước, đời sống nhân dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, cấy lúa ruộng trũng, đồng màu đất cằn sỏi đá, năng suất lúa và hoa mầu thấp,tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 20%. Từ khi Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính được đầu tư xây dựng, thu hút đông khách du lịch đến đây, đã góp phần tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Gia Sinh xuống còn 2,84%.

Trước đây, sau thời vụ nhiều người trong độ tuổi lao động thường đi làm ăn xa, từ khi có khu du lịch, hàng trăm người đã được đào tạo học nghề chụp ảnh, hướng dẫn viên du lịch. Bên cạnh đó, có hàng trăm hộ dân tham gia buôn bán, phục vụ nhà hàng ăn, nghỉ… phục vụ du khách.Hàng năm, trong 3 tháng lễ hội đầu năm, tại khu du lịch này có khoảng 3.500 lao động của địa phương thường xuyên tham gia các hoạt động phục vụ du lịch. Những tháng còn lại khu du lịch này cũng tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.500 lao động.

Chị Hà Thị Dương ở xóm 6, xã Gia Sinh hiện đang làm hướng dẫn viên du lịch tại chùa Bái Đính cho biết: Trước đây, khi chưa có chùa Bái Đính, chị chủ yếu làm nông nghiệp, cấy 3 sào lúa thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn. Từ khi khu du lịch tâm linh này được xây dựng và đi vào hoạt động đã giúp chị có việc làm và thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng. Không chỉ có thu nhập nuôi dạy 3 con ăn học mà chị còn được mở mang kiến thức, hiểu biết về mọi mặt.

Chị Nguyễn Thị Vân, người bán hàng ở khu vực chùa Bái Đính cho biết: Từ khi có chùa Bái Đính, du khách về thăm vãn cảnh chùa, lễ phật rất đông, đặc biệt là dịp đầu năm. Nhờ vậy, người dân chúng tôi cũng đã chuyển dần từ làm nông nghiệp sang làm dịch vụ du lịch, thu nhập cũng được khoảng 4-6 triệu đồng/tháng, so với làm nông nghiệp vừa nhàn hơn lại ổn định, không lo thiên tai, mất mùa.

Qua 10 năm phát triển có thể thấy, phát triển du lịch, dịch vụở Gia Sinh là hướng đi đúng đắn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Ngoài khu núi, chùa Bái Đính, một trong những trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo lớn nhất ở Việt Nam, mang tầm khu vực và quốc tế, Ninh Bình hiện được coi là một trong những trung tâm của Phật giáo và Thiên chúa giáo ở nước ta. Theo thống kê của ngành du lịch, trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà thờ cổ, trong đó có Nhà thờ đá Phát Diệm với tuổi đời hơn 100 năm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 1.499 địa điểm tín ngưỡng dân gian nằm rải rác tại 8 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Các giá trị văn hóa lịch sử tại các công trình thờ tự có từ hàng trăm năm đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt như Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính cùng hàng trăm di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, do đó Ninh Bình trở thành vùng đất có giá trị văn hóa tâm linh phong phú đã và đang thu hút sự quan tâm của du khách hành hương đến nơi đây.

Cũng theo thống kê của ngành Du lịch, tốc độ tăng trưởng du lịch Ninh Bình trong những năm gần đạt 16%/năm. Du khách đến với Ninh Bình ngày càng tăng, trong đó khách quốc tế chiếm tỷ trọng đáng kể. Nếu như năm 2000, lượng khách đến với Ninh Bình mới chỉ đạt 450 nghìn lượt người thì đến năm 2010 đã lên tới 3,3 triệu lượt khách. Năm 2013, Ninh Bình đón 4,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 10 lần so với năm 2000. Tổng doanh thu từ du lịch tăng liên tục và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năm 2000, doanh thu từ du lịch đạt 28 tỷ đồng, năm 2010 đạt 550 tỷ đồng, đến năm 2013 doanh thu đạt 920 tỷ đồng, tăng hơn 32 lần so với năm 2000. Qua những số liệu trên cho thấy, du lịch Ninh Bình đang ngày càng phát triển có chiều sâu cả về chất lượng và hiệu quả.

Nhận định về tiềm năng phát triển du lịch tâm linh của Ninh Bình, ông Lâm Quang Nghĩa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Du lịch tâm linh là một thế mạnh của Ninh Bình, trong đó bao gồm cả hành trình tìm kiếm các giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống với thái độ trân trọng trước những di tích lịch sử. Từ sự nhìn nhận tiềm năng du lịch của vùng đất Cố đô, có thể khẳng định việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh là một hướng đi đúng của tỉnh Ninh Bình nói chung và ngành du lịch nói riêng trong việc hoạch định và thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Cơ hội quảng bá du lịch với thế giới

Nhận diện được tiềm năng phát triển du lịch tâm linh ở Ninh Bình, Tổng cục Du lịch đã và đang xúc tiến quảng bá du lịch tâm linh Ninh Bình như một điểm đến trọng điểm của du lịch phía Bắc. Trong tương lai không xa, theo quy hoạch tổng thể của du lịch Ninh Bình với mục tiêu lấy Quần thể danh thắng Tràng An làm trung tâm phát triển du lịch sinh thái kết hợp với văn hoá tâm linh, có thể khuyến khích số lượng khách tăng nhanh. Ước tính nếu Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản thế giới, số lượng khách du lịch sẽ tăng đều đặn qua các năm và có thể lên đến 2 triệu lượt khách/năm.

Trước tiềm năng này, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, trong đó công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và quốc tế được chú trọng. Đặc biệt, trong vài năm gần đây khu núi chùa Bái Đính, một trong những hợp phần của Quần thể danh thắng Tràng An đã trở thành tâm điểm để tổ chức các sự kiện quốc tế về tâm linh tại Việt Nam. Điển hình như Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình và Tổ chức du lịch thế giới tổ chức vào tháng 11-2013. Hội nghị đã ra thông điệp: “Du lịch tâm linh là quyền của đại chúng, gắn kết các dân tộc với nhau vì sự phát triển bền vững”.

Qua hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững được tổ chức ở Ninh Bình càng cho thấy chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng đã và đang có tác động tích cực đến các hoạt động văn hóa tâm linh trong đời sống xã hội. Đây là chỗ dựa vững chắc để phát triển du lịch tâm linh một cách có hiệu quả và loại hình du lịch tâm linh này sẽ góp phần khẳng định vị thế của Ninh Bình như một điểm đến du lịch văn hóa tâm linh đầy sức cuốn hút trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

Trong những ngày này, Khu du lịch văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của đông đảo du khách trong và ngoài nước khi được chọn là địa điểm để tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2014 với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc” do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai. Sự kiện văn hóa tôn giáo mang tầm quốc tế này dự kiến có khoảng 10.000 người tham dự, trong đó sẽ có những đại biểu là các học giả, hành giả của các quốc gia trên thế giới và trong nước. Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vai trò Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Đồng thời khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc.

Đại lễ cũng là cơ hội tốt để quảng bá đất nước, văn hóa và tiềm năng du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Ninh Bình nói riêng. Qua đó cũng góp phần phát triển tiềm năng du lịch tâm linh ở Ninh Bình và là cơ hội vận động để UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản thế giới.
 

Nguyễn Thơm - Báo Ninh Bình

Văn bản mới
Xem thêm
Liên kết Website
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

anh 5
ảnh 4
ảnh 3
ảnh 2
Ảnh 1