Trang thông tin điện tử

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Bình

Thứ năm, 28/03/2024

Tăng cường áp dụng KHCN trong xây dựng nông thôn mới

Thứ năm, 21/08/2014 Đã xem: 1568

Sau hơn 3 năm triển khai thực Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã góp phần tích cực làm đổi thay diện mạo nông thôn trong tỉnh. Trong đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường áp dụng KHCN trên các lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, từ đó làm tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thúc đẩy xây dựng NTM trên địa bàn.


Mô hình giống lúa chất lượng cao ở xã Khánh Trung (Yên Khánh)
 
Ngành Nông nghiệp và PTNT đã chú trọng đưa tiến bộ mới, sáng kiến mới để tạo ra hiệu quả cao về năng suất, sản lượng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người lao động. Theo đó, ngành đã ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, quan tâm đầu tư đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Đồng thời xây dựng khung chương trình khuyến nông trọng điểm cho từng giai đoạn. Các hoạt động chuyển giao và ứng dụng KHKT, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư được triển khai rộng khắp, trên cơ sở xây dựng mô hình trình diễn, rút kinh nghiệm và nhân rộng. Trong đó tập trung nghiên cứu và triển khai ứng dụng nhiều đề tài khoa học thiết thực cho nông dân như: Nghiên cứu, khảo nghiệm, ứng dụng các tiến bộ KHCN vào tuyển chọn, sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng các công nghệ canh tác, nuôi trồng theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, nguồn nước; phát triển các công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm nhiên liệu và đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, công nghệ thông tin trong thiết kế công trình thủy lợi... Từ đó, nhiều mô hình, đề tài, dự án khoa học đã được các cấp, các ngành triển khai có hiệu quả ngay từ khi xây dựng mô hình và có tính ứng dụng cao trong sản xuất. Đồng chí Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Với vai trò là cầu nối giữa khoa học với người dân, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai nhiều mô hình trong sản xuất, trồng trọt giúp bà con nông dân có thu nhập cao. Mục tiêu là nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của ngành trồng trọt, những tiến bộ kỹ thuật mới về giống được quan tâm và trở thành yếu tố tạo nên bước đột phá. Với hình thức vừa nâng cao trình độ, vừa trực tiếp xây dựng các mô hình thí điểm, các tiến bộ KHKT đã nhanh chóng đến với người nông dân. Trung tâm đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình sản xuất và kỹ thuật thâm canh cây trồng vật nuôi theo mùa vụ sản xuất và theo yêu cầu của nông dân với trên 1.000 lượt người tham dự. Từ đó có hàng trăm mô hình được triển khai và nhân rộng. Tiêu biểu như các mô hình sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao thay thế giống lúa địa phương năng suất chất lượng thấp, chuyển dịch cơ cấu giống lúa, trà lúa và áp dụng tiến bộ trong gieo trồng, gieo thẳng, gieo vãi, gieo xạ bằng giàn kéo tay, gieo lúa bằng máy.
Đối với chăn nuôi, ngoài những con nuôi truyền thống có nguồn gốc địa phương, thông qua việc chuyển giao KHKT đã lai tạo giống mới giúp bà con nông dân có sản lượng thịt và chất lượng thịt cũng như thu nhập cao từ chăn nuôi. Điển hình như chương trình cải tạo đàn dê theo hướng thịt, cải tạo tầm vóc đàn bò theo hướng Zebu, nuôi lợn ngoại siêu nạc và con nuôi đặc sản... Hoạt động khuyến ngư được triển khai có trọng điểm bằng việc phát triển nuôi trồng nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao ở vùng bãi ngang Kim Sơn và vùng trũng của các huyện Yên Mô, Gia Viễn, Nho Quan. Cùng với đó, trong vụ đông, các giống ngô lai, đậu tương, rau màu và nấm các loại từng bước được đưa vào sản xuất nhằm đa dạng cây trồng, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.
Ngoài ra, các đơn vị trong ngành nông nghiệp cũng đã có nhiều đề tài, sáng kiến đưa vào thử nghiệm và mang lại thành công đáng kể, như Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh với đề tài ứng dụng phòng bệnh tổng hợp trên cây cói, trên cây lúa; quản lý dịch hại tổng hợp các đối tượng sâu bệnh; Chi cục Thú y, chăn nuôi có nhiều đề tài để xác định cơ cấu con nuôi phù hợp của các xã vùng núi, chọn tạo giống dê, lai tạo giống bò địa phương, mô hình quản lý dịch cúm trên gia cầm, phát triển gà địa phương…. Chi cục Thủy sản với các đề tài, sáng kiến về mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ cá, mô hình cá lóc bông, cá rô phi, cá chép, nuôi tôm công nghiệp….
Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện được 24 đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh ở nhiều lĩnh vực như: trồng trọt - bảo vệ thực vật; chăn nuôi - thú y; thủy sản; thủy lợi, đê điều và phòng, chống lụt bão; lâm nghiệp…Toàn ngành đã có 7 sáng kiến cấp tỉnh, 10 sáng kiến cấp cơ sở, triển khai 108 mô hình ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều đề tài, dự án, sáng kiến thành công đã được chuyển giao và nhân rộng, góp phần tăng năng suất, giá trị, sản lượng, nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Với việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, những năm qua, sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn của tỉnh tiếp tục phát triển, đạt kết quả và tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha canh tác năm 2013 đạt 97,7 triệu đồng, tăng 11,7 triệu đồng so với năm 2012. Số tiêu chí NTM đạt bình quân/xã là 9,3 tiêu chí, tăng 2,6 tiêu chí so với năm 2012; hiện toàn tỉnh có 3 xã đạt 19 tiêu chí đạt xã chuẩn NTM…
Đồng chí Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cho biết: Trong giai đoạn 2015-2020, ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng ngành nông nghiệp CNH-HĐH theo hướng phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng NTM. Để làm được điều đó, ngành đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ, khảo nghiệm, thử nghiệm các giống cây trồng, con nuôi và quy trình, công thức luân canh sản xuất mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và quy trình công nghệ mới vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, ứng dụng công nghệ sinh học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp mới, công nghệ mới.
Để KHCN tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò trong công cuộc xây dựng NTM, các cấp, các ngành cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để chuyển giao kịp thời các tiến bộ KHKT mới vào thực tế đời sống, sản xuất, trong đó chú trọng tới đầu tư đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Bởi thực tế cho thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả của quá trình ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Những năm qua, ngành NN&PTNT đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ toàn ngành tham gia các lớp đào tạo chuyên môn, nâng cao trình độ theo hướng chuyên sâu; đồng thời bám sát điều kiện thực tế của từng địa phương, thị trường để xây dựng, triển khai các đề tài, kỹ thuật mới. Hiện tại toàn ngành có trên 600 cán bộ, công chức, trong đó có 2 tiến sĩ, 65 thạc sĩ, 453 người có trình độ đại học. Tùy chính chất công việc, trình độ chuyên môn, năm 2014, ngành đã phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức có trình độ từ thạc sĩ trở lên phải thực hiện 1 đề tài sáng kiến; khuyến khích, động viên những đề tài, sáng kiến có tính ứng dụng cao trong sản xuất, đời sống. Toàn ngành phấn đấu góp phần hoàn thành một số chỉ tiêu trong năm 2014, như: Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 2,0%; cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 13,58%; sản lượng lương thực có hạt đạt 50 vạn tấn; giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt trên 98 triệu đồng; số tiêu chí NTM đạt bình quân/xã là 11,3 tiêu chí; có thêm 11 xã đạt chuẩn quốc gia về NTM vào cuối năm 2014…
Nguồn: Baoninhbinh.org.vn
Văn bản mới
Xem thêm
Liên kết Website
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

anh 5
ảnh 4
ảnh 3
ảnh 2
Ảnh 1