Trang thông tin điện tử

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Bình

Thứ sáu, 29/03/2024

An toàn thông tin và bảo mật cơ sở dữ liệu: Nhu cầu bức thiết trong thời kỳ kỷ nguyên số

Thứ sáu, 25/10/2019 Đã xem: 2330

  Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước đã phát triển nhanh chóng, trở thành xu thế tất yếu, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng của đất nước, được xác định trong Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

  Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà công nghệ thông tin mang lại. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và thực tiễn vận động của không gian mạng tiếp tục đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới đòi hỏi cần phải tăng cường công tác bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ cơ sở dữ liệu thiết yếu, phòng, chống khủng bố và tội phạm mạng.

  Tháng 01/2018, theo thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav, đã có hơn 35.000 thiết bị smartphone tại Việt Nam lây nhiễm virus GhostTeam đánh cắp mật khẩu Facebook. Tháng 3/2018, Facebook thông báo 87 triệu người dùng đã bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối Cambridge Analytica, trong đó có hơn 420.000 người dùng tại Việt Nam. Cuối tháng 12/2018, một lần nữa Facebook thông báo tồn tại lỗ hổng cho phép hơn 1.500 ứng dụng có quyền truy cập ảnh riêng tư của gần 7 triệu người dùng. Theo ghi nhận, nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các lỗ hổng bảo mật này. Tháng 11/2018, theo thống kê từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), có khoảng 4,7 triệu địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng mã độc lớn... Trên đây chỉ là một vài con số cho thấy mặt tiêu cực cũng như thách thức cho những người dùng công nghệ trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.

  Trong hoạt động của cơ quan, chúng ta đang ngày càng phát huy được hiệu quả, tính tích cực của Chính phủ điện tử, dịch vụ hành chính công trực tuyến, xây dựng môi trường làm việc không giấy tờ, giảm thiểu được thời gian gửi nhận văn bản, tăng tính công khai, minh bạch của các thủ tục hành chính, giúp cho người dân và doanh nghiệp có thể giao dịch 24/24h ở bất cứ nơi đâu có kết nối Internet, đồng thời có thể theo dõi, giám sát được quá trình giải quyết hồ sơ, giúp tiết kiệm được sức người, sức của, nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

  Bên cạnh đó là việc sử dụng không gian mạng rộng lớn với các trình duyệt web, các trang web tin tức; các mạng xã hội; các tìm kiếm, tra cứu; các tiện ích (chuyển tiền, việc làm, email, thiệp điện tử...); các trang mạng mua bán, kinh doanh, học tập, âm nhạc, giải trí...Nhờ có không gian mạng, nhu cầu của mỗi cá nhân chúng ta trong công việc cũng như trong đời sống hàng ngày trở nên dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng hơn: tương tác, trải nghiệm, trao đổi ý kiến, trò chuyện nhóm, chia sẻ thông tin, tổ chức diễn đàn, cung cấp hỗ trợ xã hội, tìm kiếm việc làm, kinh doanh, sáng tạo phương tiện truyền thông nghệ thuật, chơi trò chơi, nghe nhạc xả stress, giao dịch ngân hàng, tư vấn khám, chữa bệnh, đăng ký online, đăng ký thủ tục hành chính… Với hàng chục triệu lượt truy cập/ngày, hàng triệu giao dịch, hàng trăm triệu thông tin chia sẻ, có thể khẳng định, không gian mạng là một phần quan trọng của đời sống. Không gian mạng thật sự trở thành không gian sinh tồn mở rộng, không gian kiến tạo và gia tăng sức mạnh quốc gia với nguồn tài nguyên số vô tận.

  Tuy nhiên, việc triển khai, sử dụng các ứng dụng luôn phải đi đôi với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, xây dựng lộ trình triển khai và thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo mật và an toàn thông tin và cần có sự thống nhất trong nhận thức và hành động của từng cá nhân, từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, cụ thể:

  Tăng cường tuyên truyền, nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao nhận thức về bảo mật và an toàn thông tin như: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật An ninh mạng, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 về nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại, Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 18/4/2019 về triển khai thi hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình… Thực hiện nghiêm túc và chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về việc mã hóa thông tin bí mật nhà nước trong quá trình xử lý, lưu trữ và truyền trên môi trường mạng.

  Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành; các phòng, đơn vị cũng như các thành viên cơ quan trong hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Hoạt động tích cực, có hiệu quả “Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Ninh Bình”.

  Dự báo, chủ động, cảnh giác trong quá trình tác nghiệp, thường xuyên kiểm tra, đề xuất, hiệu chỉnh, hoàn thiện các phần mềm ứng dụng, các văn bản pháp lý, sử dụng chữ ký số đối với tất cả các văn bản nhằm nâng cao tính bảo mật, sử dụng hộp thư điện tử với địa chỉ tên miền “.gov.vn” được cấp phát để trao đổi văn bản điện tử trong công việc. Thay đổi lề lối, thói quen làm việc, hướng tới môi trường làm việc điện tử, hiện đại, hiệu quả. Chủ động đề xuất các sáng kiến nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc.

  Trong đời sống hàng ngày, mỗi cá nhân cần linh hoạt trong xử lý, chọn lọc và kiểm soát chặt chẽ việc phát ngôn, cung cấp, chia sẻ thông tin trên các mạng xã hội. Không truy cập vào địa chỉ Internet, thư điện tử không rõ nguồn gốc. Thay đổi mật khẩu các tài khoản công vụ, thẻ ATM, thẻ tín dụng…đảm bảo mật khẩu đủ mạnh.

  Tăng cường sử dụng và nâng cao các phần mềm bảo mật, diệt virus, tránh tạo ra các lỗ hổng bảo mật, chống lại sự xâm nhập trái phép nhằm lấy cắp thông tin, dữ liệu của cơ quan, cá nhân.

  Có lập trường tư tưởng vững vàng; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, chính trị, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Trao đổi, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình giải quyết công việc; nêu cao tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình, chủ động, tích cực tố giác những hành vi vi phạm pháp luật nói chung và xâm phạm không gian mạng nói riêng; tiếp nhận và chia sẻ thông tin một cách thông thái; đề cao thực hành và giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong cơ quan, nơi cư trú tạo nên tập thể vững mạnh, một khối thống nhất đứng vững trước mọi hành vi, âm mưu, thủ đoạn, mọi thông tin sai lệch, thất thiệt của kẻ xấu.

  Trong thời đại công nghệ thông tin hiện đại, bảo mật và an toàn thông tin vừa là trách nhiệm đồng thời cũng chính là quyền lợi, mỗi hành động, việc làm thiết thực của chúng ta là tự bảo vệ chính mình, bảo vệ người thân, gia đình và cộng đồng xã hội, nói rộng ra là góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Nguồn: Văn phòng Sở

Văn bản mới
Xem thêm
Liên kết Website
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

anh 5
ảnh 4
ảnh 3
ảnh 2
Ảnh 1