Trang thông tin điện tử

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Bình

Thứ sáu, 26/04/2024

Kim Sơn: Dồn điền, đổi thửa tạo động lực cho kinh tế nông nghiệp phát triển

Thứ sáu, 31/03/2017 Đã xem: 1871
Huyện Kim Sơn hiện có gần 14 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó, diện tích đất trồng lúa trên 8.300 ha, đất nuôi trồng thủy sản 3.900 ha. Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Kim Sơn đã tập trung chỉ đạo các xã thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, nạo vét kênh mương, làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Đến nay, cơ bản các xã đã thực hiện xong công tác trên.

Từ thực hiện dồn điền, đổi thửa, huyện Kim Sơn đã đưa cơ giới hoá vào sản xuất. Ảnh: Trường Giang

Tổng diện tích thực hiện dồn điền, đổi thửa là trên 7.200 ha, trong đó hơn 210 ha diện tích đất được đóng góp để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng. Tổng kinh phí thực hiện dồn điền, đổi thửa gần 45 tỷ đồng, trong đó phần lớn do nhân dân đóng góp với tổng giá trị xấp xỉ 35 tỷ đồng.
Sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, đồng ruộng của Kim Sơn đã không còn nhỏ lẻ, manh mún như trước. Nếu như trước đây số thửa/hộ là 2,94 thì đến nay trung bình mỗi hộ chỉ phải canh tác trên 1,5 thửa ruộng. Điển hình như tại xã Yên Lộc, trước dồn điền, đổi thửa, trên 64% số hộ có nhiều hơn 3 thửa, cá biệt có hộ canh tác 7 thửa. 

Tuy nhiên, với những cách làm sáng tạo, phát huy tối đa sự tự chủ của người dân trong việc thống nhất phương án chia ruộng đất, sau dồn điền, đổi thửa, bình quân chung toàn xã còn 1,27 thửa/hộ.
Có thể thấy, dồn điền, đổi thửa tại Kim Sơn đã góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trở nên thuận lợi hơn. Hiện nay, khâu làm đất đã được sử dụng hoàn toàn bằng máy móc, khâu thu hoạch lúa chiếm khoảng 80% diện tích. Trong quá trình tác nghiệp tại một số xã, chúng tôi được nhiều người cao tuổi tâm sự, trong mơ họ cũng không tưởng tượng nổi đến một ngày mà làm nông nghiệp lại thuận tiện như vậy. 

Người nông dân xưa phải “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì nay chỉ cần bỏ ra một số tiền thuê máy gặt và trong thời gian ngắn họ đã có thể chuyển những bao thóc về cất trong nhà. 

Không thể phủ nhận rằng, dồn điền, đổi thửa chính là tiền đề cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu sức lao động của con người, tăng năng suất và thu nhập cho người nông dân. Vài năm trở lại đây, năng suất lúa bình quân của huyện ổn định ở ngưỡng khoảng 62 tạ/ha/vụ, sản lượng lúa đạt trên 103.600 tấn mỗi năm.
Việc dồn điền, đổi thửa còn là tiền đề quan trọng cho việc tích tụ ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh hoặc các mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây, con cho giá trị kinh tế cao. 

Với những ưu điểm từ chính sách giao ruộng, đất ổn định cho nông dân của Nhà nước đã tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi, chuyển nhượng đất cho nhau hoặc thuê mướn để có diện tích đất nông nghiệp liền khoảnh, quy mô lớn, từ đó đầu tư vào sản xuất.
Bên cạnh đó, những yếu tố thuận lợi về chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2015-2020 cũng là động lực cho không ít cá nhân, hộ gia đình mạnh dạn tìm kiếm cơ hội làm giàu chính đáng. 

Một số hộ nông dân tại xã Quang Thiện, Như Hòa, Đồng Hướng tích tụ diện tích đất nông nghiệp từ 1 đến 5ha để xây dựng các mô hình cho giá trị kinh tế cao từ việc trồng cỏ nuôi lợn rừng, nuôi trồng thủy sản... 

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, quá trình tích tụ đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Kim Sơn diễn ra chậm, chủ yếu là khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, UBND các xã đã chuyển đất công ích (đất 5%) vào các khu tập trung để cho đấu thầu thực hiện các mô hình chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình trồng cây hàng năm kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản có hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa từ 5-7 lần. Đến nay, trên địa bàn huyện đã chuyển đổi gần 150ha đất cấy lúa kém hiệu quả. 

Một số xã đã chuyển đổi có hiệu quả như xã Văn Hải diện tích 20ha, chủ yếu là nuôi trồng thuỷ sản, trang trại tổng hợp; xã Thượng Kiệm 16ha, sử dụng 3 tầng canh tác, mô hình trồng cây đinh lăng, rau màu; xã Kim Tân 7ha, xã Kim Chính 30 ha nuôi trồng thuỷ sản… 

Điển hình như mô hình đa canh của các thành viên HTX thanh niên Thượng Kiệm: phía dưới đào ao thả cá, trên vườn trồng cây ăn quả, rau màu... cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/hộ/năm.


Nguồn: Baoninhbinh.org.vn
Liên kết Website
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

anh 5
ảnh 4
ảnh 3
ảnh 2
Ảnh 1