Trang thông tin điện tử

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Bình

Thứ sáu, 29/03/2024

Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn FDI

Thứ sáu, 06/01/2017 Đã xem: 2251
Tuy chưa phải là địa phương thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) so với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, nhưng với lợi thế của mình, Ninh Bình đang là “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong những năm qua, để thu hút các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh đã có nhiều chính sách tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nâng sức cạnh tranh và quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư.
 

 
Những tín hiệu khả quanTheo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 49 dự án FDI đang hoạt động với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 1.274 triệu USD (trong đó có 22 dự án ngoài các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 575 triệu USD và có 27 dự án trong các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 699 triệu USD). Đến nay có 11 nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Ninh Bình là: Nhật Bản, Đài Loan, ý, Hàn Quốc, Singapore, Brunei, Canada, Trung Quốc, Anh, Hồng Kông, Pháp…
Các dự án chủ yếu của các nhà đầu tư châu á như: Trung Quốc có 18 dự án tập trung vào các ngành nghề dệt may, xi măng với tổng vốn đầu tư khoảng 748 triệu USD; Hàn Quốc 16 dự án thuộc các lĩnh vực như: công nghệ cao, dệt may và sản xuất lắp ráp phụ tùng ô tô… với tổng vốn đầu tư khoảng 90 triệu USD; Đài Loan 13 dự án với tổng vốn đăng ký 575 triệu USD; Nhật Bản 4 dự án với mức đầu tư khoảng 224 triệu USD. Nhìn chung, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh triển khai tương đối hiệu quả: Tổng mức doanh thu hàng năm liên tục tăng (năm 2012 khoảng 40 triệu USD; năm 2013 khoảng 176 triệu USD; năm 2014 khoảng 194 triệu USD, năm 2015 khoảng 230 triệu USD).
Cùng với sự gia tăng số lượng các nhà máy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Ninh Bình là sự gia tăng về số lượng lao động. Báo cáo từ các ngành chức năng cho thấy: Năm 2012, toàn tỉnh có khoảng 17.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI, qua 3 năm số lao động đã tăng khoảng 38.000 lao động.  Vốn thực hiện lũy kế trên 650 triệu USD, đạt trên 50% tổng mức đầu tư đăng ký, đây là những tín hiệu đáng mừng, là một phần đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có 5 dự án, trong đó có 2 dự án trong khu công nghiệp, 3 dự án ngoài khu công nghiệp có quy mô lớn với tổng vốn đăng ký từ 100 triệu USD hoặc diện tích đất sử dụng từ 50 ha trở lên đó là: Dự án Nhà máy luyện cán thép chất lượng cao của Công ty TNHH thép Kyoei Việt Nam tại Khu công nghiệp Khánh Phú với tổng mức đầu tư khoảng 184,4 triệu USD; dự án Lux Fashion của Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam tại Khu công nghiệp Gián Khẩu với tổng mức đầu tư 193 triệu USD;  3 dự án của Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng có tổng mức đầu tư khoảng 375 triệu USD và diện tích đất sử dụng khoảng 150 ha.
Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung hiện nay, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là đầu tư sản xuất vào ngành dệt may với 15 dự án và công nghiệp nặng 4 dự án. Đó là những dự án sử dụng nhiều lao động, nhiều đất, tài nguyên và có những ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. 

Những ngành công nghiệp phụ trợ, ngành công nghệ cao chưa thu hút được nhiều và chưa phải những dự án lớn. Bên cạnh đó, còn một số dự án hoạt động kém hiệu quả, dự án có quy mô nhỏ và một số dự án triển khai thực hiện chậm tiến độ.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để tăng cường thu hút nguồn vốn FDI và quản lý tốt các dự án FDI trên địa bàn, trong thời gian tới, cùng với tăng cường và đổi mới công tác vận động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại…, tỉnh tập trung ưu tiên thu hút những dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước.
Một trong những vấn đề đang được Ninh Bình quan tâm trong công tác thu hút đầu tư là tập trung hoàn thiện quy hoạch, thực hiện phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, thông qua hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao; quy hoạch, đầu tư xây dựng các hệ thống cấp nước trong các khu công nghiệp tập trung, khu vực dân sinh, khu vực có mật độ doanh nghiệp đầu tư lớn,…; tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong các Khu công nghiệp tập trung.
Tỉnh cũng kêu gọi các nhà đầu tư để thực hiện đầu tư, hoàn thiện hệ thống giao thông của tỉnh, kết nối với các tuyến quốc lộ, kết nối khu vực phía Bắc và phía Nam theo quy hoạch đã được duyệt. Đồng thời phát triển hệ thống cấp điện phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục của doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tế và có sự trao đổi với các doanh nghiệp sản xuất đặc thù.
Để thu hút đầu tư, Ninh Bình tiếp tục triển khai thực hiện đề án nguồn nhân lực chất lượng cao. Chú trọng đào tạo chuyên môn, tay nghề kết hợp với đào tạo phẩm chất, con người (đạo đức, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật…). Khuyến khích sự liên kết, phối hợp giữa doanh nghiệp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề để tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu.
Công tác xúc tiến đầu tư cũng được tăng cường. Việc triển khai xúc tiến đúng trọng tâm, bám sát nhu cầu thực tế của tỉnh. Chú trọng việc chuẩn bị mặt bằng và cơ sở hạ tầng cho các dự án đang xúc tiến cũng như việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động của các dự án đã đầu tư vào tỉnh. 

Chủ động công tác xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức khác nhau, trong đó chú trọng hình thức trực tiếp liên hệ, tiếp xúc với các đối tác, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới để giới thiệu điều kiện, môi trường đầu tư của tỉnh. Công khai, minh bạch thông tin đầu tư, quảng bá hình ảnh – marketing địa phương trên các trang web của tỉnh.
Riêng đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, Ninh Bình đã thực hiện tốt cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” nhằm giảm chi phí thời gian của doanh nghiệp FDI, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Hoàn thiện cơ chế phối hợp rất nhịp nhàng, linh hoạt giữa cơ quan cấp tỉnh, nhà đầu tư và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ doanh nghiệp sau đầu tư khi đi vào hoạt động ổn định.
Thường xuyên tiến hành kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp FDI để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đồng thời ngăn ngừa doanh nghiệp hoạt động trái pháp luật, thực hiện kiên quyết rút giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án, doanh nghiệp FDI không triển khai, chậm triển khai dự án, hoạt động không hiệu quả, vi phạm giấy chứng nhận đầu tư và quy định của Nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự và công bằng đối với các nhà đầu tư trên địa bàn.
Nguồn: Baoninhbinh.org.vn
Văn bản mới
Xem thêm
Liên kết Website
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

anh 5
ảnh 4
ảnh 3
ảnh 2
Ảnh 1