Trang thông tin điện tử

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Bình

Thứ bảy, 20/04/2024

Ninh Bình quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài

Thứ tư, 30/10/2019 Đã xem: 1781

  Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành và sự ủng hộ của các nhà tài trợ, tỉnh Ninh Bình đã tiếp cận được nhiều nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của nhiều nhà tài trợ nước ngoài song phương cũng như đa phương. Trong điều kiện nguồn vốn trong nước còn nhiều khó khăn thì vốn ODA, vốn vay ưu đãi được tài trợ cho nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực đã tạo động lực mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Tổng số dự án ODA, vốn vay ưu đãi triển khai trong giai đoạn 2016 – 2019 là 15 dự án (trong đó: 10 dự án chuyển tiếp từ trước năm 2016 và 05 dự án mới) với tổng mức đầu tư là 3.925,061 tỷ đồng, tương đương 170,654 triệu USD (trong đó: vốn ODA, vốn vay ưu đãi: 2.622,978 tỷ đồng, tương đương 114,042 triệu USD; vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước: 1.302,083 tỷ đồng, tương đương 56,612 triệu USD). Tổng vốn nước ngoài thực hiện giải ngân từ năm 2016 – nay là 475,627 tỷ đồng, tương đương 20,68 triệu USD, đạt khoảng 87% kế hoạch vốn giao hàng năm. Vốn ODA, vốn vay ưu đãi được đầu tư đa dạng từ các nhà tài trợ đa phương như: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ OPEC về Phát triển Quốc tế (Quỹ OFID) hoặc các nhà tài trợ song phương như: Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (Quỹ EDCF), Chính phủ Cộng hòa Áo. Các dự án được tài trợ nhằm phục vụ phát triển hạ tầng công cộng, nâng cao an sinh phúc lợi xã hội nên được nhân dân đồng tình ủng hộ và có tỉnh lan tỏa cao, chủ yếu trong các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, phát triển đô thị (cấp, thoát nước), môi trường, y tế. Một số dự án tiêu biểu như: Dự án Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn huyện Kim Sơn, Gia Viễn, Hoa Lư được tài trợ 16,2 triệu USD từ Quỹ OFID; dự án Nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Ninh Bình được tài trợ 12,49 triệu USD từ WB; dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng – tiểu dự án tỉnh Ninh Bình được tài trợ 10,0 triệu USD từ WB; dự án Quản lý và xử lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình được tài trợ 20,97 triệu USD từ Quỹ EDCF.

  Qua việc triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn của các cán bộ làm công tác quản lý đầu tư, cán bộ chuyên trách quản lý dự án được nâng cao, tiếp cận được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng quản lý dự án và kỹ thuật vận hành máy móc, hạ tầng kỹ thuật quốc tế hiện đại. Đồng thời, qua việc thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, mối liên hệ giữa các cơ quan chức năng của tỉnh, chủ đầu tư, ban quản lý dự án với các bộ, ngành và nhà tài trợ ngày càng chặt chẽ, sâu rộng, mở ra nhiều định hướng hợp tác mới.

  Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc chính như: Số lượng dự án và nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi được tài trợ vẫn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển; thành tố ưu đãi của nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi ngày càng giảm đi do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình làm làm cho việc tiếp cận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh càng trở nên khó khăn hơn; Quy trình vận động, thu hút và giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi phức tạp, kéo dài nên trong quá trình thực hiện một số dự án phải điều chỉnh cho phù hợp với thời điểm thực tế; Các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng thường liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đôi khi phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người dân nên đôi khi cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và cam kết với nhà tài trợ ….

  Với các ý nghĩa quan trọng của nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và trên cơ sở các kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc cần phải khắc phục nêu trên thì trong thời gian tới, để thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

  - Tiếp tục quản lý, sử dụng, khai thác, vận hành có hiệu quả các dự án đã được đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ triển khai đối với các dự án đang thực hiện đầu tư nhằm sớm đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu thiết thực của nhân dân như: Dự án Xây dựng âu Kim Đài phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt và ứng phó với tác động nước biển dâng cho 06 huyện, thành phố khu vực Nam Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình sử dụng vốn AFD; dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Ninh Bình sử dụng vốn WB; dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng – tiểu dự án tỉnh Ninh Bình sử dụng vốn WB; dự án Hỗ trợ xử lý chất thải Bệnh viện đa khoa huyện Kim Sơn sử dụng vốn WB; …

  - Ưu tiên vận động, thu hút các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu, nhất là các khu vực có nhiều tiềm năng phát triển, làm động lực để thu hút đầu tư trong và ngoài nước và giải quyết ách tắc, quá tải như: Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu đô thị Kim Sơn sử dụng vốn AFD đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện đang trong quá trình đàm phán ký kết hiệp định tài trợ.

  - Quan tâm, chú trọng tiếp cận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ lợi, bảo vệ môi trường, hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Trong đó, chú trọng các dự án nông nghiệp, thuỷ lợi liên quan tới tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh nông nghiệp thông minh, xây dựng nông thôn mới.

  - Kêu gọi nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho các dự án y tế, giáo dục có tính chất trọng điểm, ảnh hưởng lớn tới xã hội để khai thác đồng bộ, nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án và đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

  - Vận động, thu hút vốn tài trợ để sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của nhà nước để tham gia thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo hình thức đối tác công - tư (PPP)./.

Nguồn: Phòng Kinh tế đối ngoại

Văn bản mới
Xem thêm
Liên kết Website
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

anh 5
ảnh 4
ảnh 3
ảnh 2
Ảnh 1