Trang thông tin điện tử

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Bình

Chủ nhật, 23/02/2025

Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An: Cơ hội để ngành Du lịch bứt phá

Thứ năm, 10/07/2014 Đã xem: 4083
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )
Tự hào về danh thắng quê hương

Đối với Ninh Bình, việc Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới sẽ góp phần thu hút du lịch, đầu tư, tạo việc làm, phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, vinh dự, tự hào cũng đồng thời đặt ra trách nhiệm cho những người làm công tác quản lý và người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản thế giới độc đáo này.

Ngay sau ngày Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản thế giới, chúng tôi về xã Ninh Hải (Hoa Lư), nơi có khu danh thắng nổi tiếng Tam Cốc-Bích Động. Trên khuôn mặt của những người lái đò, bán hàng, chụp ảnh… ai cũng rạng rỡ đầy tự hào khi nhắc tới quê hương. Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị The (người lái đò) không giấu hết niềm vui và xúc động, hồ hởi “khoe”: “Khi biết tin Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là di sản thế giới, tôi mừng đến suýt khóc. Thế là những giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên mà từ đời cha ông chúng tôi luôn ý thức gìn giữ đã được thế giới công nhận rồi. Tôi hy vọng với việc Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới, khách du lịch sẽ biết đến Tam Cốc- Bích Động nhiều hơn và người dân chúng tôi cũng sẽ có nhiều việc làm hơn”.

Cũng trong niềm vui chung với người dân, ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết: Khu du lịch Tam Cốc- Bích Động đã được du khách trong và ngoài nước biết đến từ nhiều thập kỷ nay bởi cảnh quan “sơn thủy hữu tình” hòa quyện với bề dày truyền thống văn hóa với làng nghề thêu nổi tiếng hàng nghìn năm nay. Người dân Ninh Hải rất tự hào về quê hương mình, nhất là từ khi tỉnh quy hoạch khu du lịch Tam Cốc- Bích Động vào Quần thể danh thắng Tràng An để xây dựng hồ sơ di sản thế giới, mọi người đã có ý thức rất tốt trong việc giữ gìn các giá trị di sản và xây dựng một nếp sống văn minh du lịch trong cộng đồng.

Hiện toàn xã có trên 70% dân cư tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch như: chở đò, bán hàng, kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, chụp ảnh… Du lịch cũng là một trong những nguồn thu quan trọng của ngân sách địa phương.

Xã Ninh Hải cũng xác định, phát triển kinh tế du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn kéo theo các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua Ninh Hải vẫn rất “lúng túng” trong việc phát triển du lịch cộng đồng. Chúng tôi hy vọng với việc Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới sẽ nhận được nhiều sự đầu tư hơn của Nhà nước và được học hỏi các mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở các địa phương khác để đưa du lịch ở Ninh Hải thực sự trở thành ngành kinh tế chủ lực của xã. Đồng thời người dân xã Ninh Hải cũng như du khách đến nơi đây sẽ nêu cao hơn nữa ý thức bảo tồn các giá trị của di sản.

Không chỉ có người dân địa phương mà ngay cả du khách nước ngoài khi biết tin Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh di sản thế giới cũng rất xúc động. Chị Racher Tipograph, du khách đến từ Mỹ cho biết: Tôi được biết thông tin UNESCO ghi danh Danh thắng Tràng An vào danh sách di sản thế giới cách đây một ngày. Tôi không quá bất ngờ về điều này bởi cảnh quan của khu Danh thắng Tràng An thực sự là hiếm có. Cảnh vật nơi đây nguyên sơ khiến tôi thấy yên bình và tìm được sự cân bằng. Khi đến với Tràng An, thăm Cố đô Hoa Lư đã giúp tôi hiểu hơn về văn hóa và truyền thống lịch sử của đất nước các bạn. Tôi sẽ rất vui khi được cùng bạn bè quay trở lại đây trong những kỳ nghỉ tới.

Cơ hội để phát triển du lịch

Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm một hệ thống sông, hồ, đầm và rừng đặc dụng trên núi đá vôi, chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa và thiên nhiên đặc sắc với 3 di tích danh thắng đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là: di tích Cố đô Hoa Lư; khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động; khu rừng đặc dụng Hoa Lư - chùa Bái Đính. Có người ví Tràng An như một bức tranh thủy mặc với hệ thống núi đá vôi trùng trùng điệp điệp, muôn hình vạn trạng. Cùng với hệ thống sông, suối tuyệt đẹp chảy tràn trong thung lũng, Tràng An là một trong những địa danh hiếm hoi sở hữu thảm thực vật, rừng nguyên sinh cùng hệ sinh thái đất ngập nước vô cùng phong phú, nguyên sơ.

Đây cũng là nơi lưu giữ những dấu ấn cư trú của người Việt cổ thời tiền sử, thể hiện sự định cư lâu dài của con người. Tại đây, ít nhất đã có 3 lần biển tiến, biển thoái ở các giai đoạn khác nhau, đặc biệt là giai đoạn cách đây khoảng 4.000 - 7.000 năm. Nhưng dù ở thời kỳ nào, biển tiến hay thoái thì con người vẫn luôn có mặt ở đây và cư trú trong các hang động đá vôi. Cũng ở đây, vào thế kỷ thứ X, kinh đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt đã hình thành, mở nền độc lập, tự chủ thịnh vượng cho các thời đại kế tiếp của quốc gia Đại Việt, là tiền đề để hướng tới tiến ra vùng trung tâm đồng bằng Bắc bộ và lập đô ở Thăng Long.

Những giá trị vẫn còn lưu dấu với hàng trăm di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, tâm linh: đình, đền, chùa, phủ qua các thời, nổi bật là đền vua Đinh Tiên Hoàng, đền vua Lê Đại Hành, chùa Bái Đính, động Thiên Tôn, động Hoa Lư, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh...

Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản thế giới không chỉ là vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm đối với chính quyền địa phương và mỗi người dân. Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Ban quản lý Danh thắng Tràng An cho rằng: Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh di sản thế giới mới chỉ là bước khởi đầu. Chúng ta còn phải cố gắng làm tốt hơn nữa để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, giữ gìn hình ảnh cho một di sản kép của thế giới tại Việt Nam.

Muốn làm được điều đó, chúng ta cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến nghị của UNESCO trong quản lý, bảo vệ các giá trị nổi bật toàn cầu, sự toàn vẹn của di sản. Đồng thời, cần xác định những việc cần làm ngay như: Tu sửa, làm mới hệ thống bảng, biển thông báo, dần xây dựng và hoàn thiện các mô hình phát triển du lịch gắn với di sản. Tiếp tục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân hiểu được giá trị của di sản để tránh xâm hại và góp phần bảo vệ, gìn giữ giá trị của di sản. Đồng thời phát triển du lịch một cách hài hòa, đồng bộ, quảng bá rộng rãi đến du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Quần thể danh thắng Tràng An được đánh giá là nơi thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Có thời điểm được xác định là mô hình phát triển du lịch cộng đồng điển hình của cả nước. Hiện nay, lực lượng người dân tham gia phát triển du lịch rất lớn, theo thống kê chính thức có tới 2.600 chiếc đò phục vụ du khách. Đò giao cho gia đình, các thành viên trong gia đình được luân phiên tham gia chở đò. Hiện tại, có hơn 10.000 người dân tham gia vào hoạt động du lịch, chưa kể những người tham gia kinh doanh ăn uống, bán hàng lưu niệm.

Việc UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới là cơ hội quảng bá rất tốt cho du lịch Ninh Bình. Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2013, khu Danh thắng Tràng An đã đón 3.647.003 lượt khách (khách quốc tế là 434.331 lượt), tăng so với năm 2012 hơn 420.000 lượt khách. Lượng khách 6 tháng đầu năm nay có sự tăng trưởng nhất định. Thời gian tới, với việc Quần thể danh thắng Tràng An vừa được công nhận là di sản thế giới, chắc chắn lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến với Tràng An sẽ còn tăng hơn nữa. Đây là cơ hội tốt để Ninh Bình có thể bứt phá phát triển, trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế.

Bảo Yến - Baoninhbinh.org.vn

Văn bản mới
Xem thêm
Liên kết Website
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

anh 5
ảnh 4
ảnh 3
ảnh 2
Ảnh 1