Trang thông tin điện tử

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Bình

Thứ sáu, 13/12/2024

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ ba, 28/05/2024 Đã xem: 2839
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sáng ngày 28/5, tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.

Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải; các đồng chí lãnh đạo các Ban, Ủy ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại biểu Quân khu 3; đại diện các cơ quan, đơn vị Trung ương đứng chân trên địa bàn; đại diện các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh lân cận; các chuyên gia, nhà khoa học.

Các đại biểu dự Hội nghị

Về phía tỉnh Ninh Bình, đại biểu dự hội nghị có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy; Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh khóa XV; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc và báo cáo nội dung Quy hoạch.

Phát biểu khai mạc và báo cáo nội dung quy hoạch, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh Ninh Bình luôn xác định quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo ra cơ sở pháp lý, có tính khoa học, thực tiễn để định hướng phát triển. Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg, ngày 04/3/2024, có 4 Điều với 13 nội dung, cùng với hệ thống sơ đồ, bản đồ; trong đó, có một số nội dung quan trọng, đó là:

1. Về quan điểm phát triển: Kiên định theo hướng "xanh, bền vững và hài hòa"; lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại làm động lực cho phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ; phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; tăng trưởng kinh tế luôn gắn với phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; coi trọng phát triển văn hóa; tăng cường liên kết vùng và mở rộng hợp tác quốc tế.

2. Về mục tiêu, chỉ tiêu và tầm nhìn: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; tầm nhìn đến năm 2050 là thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới.

3. Quy hoạch xác định "ba nền tảng", "bốn trụ cột" phát triển kinh tế và "7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá":

- "Ba nền tảng", gồm: (1) Giá trị văn hóa - con người - thiên nhiên Ninh Bình, nhất là tinh hoa văn hóa Cố đô, nguồn nhân lực chất lượng cao và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp; (2) Hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, thông minh, kết nối, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng dịch vụ, hạ tầng đô thị, hạ tầng "xanh"; (3) Thể chế quản trị địa phương cho phát triển, nhất là năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, liêm chính công vụ. 

- "Bốn trụ cột" phát triển kinh tế, đó là: (1) Phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa là mũi nhọn; (2) Phát triển công nghiệp công nghệ cao, lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực; (3) Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; (4) Phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ.

- "7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá", gồm: (1) Phát triển công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại cùng phát triển chọn lọc một số ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường. Phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản. (2) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. (3) Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội. Tập trung bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị Di sản Cố đô Hoa Lư và giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. (4) Tổ chức không gian, phân vùng chức năng hợp lý; phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, giữa đô thị và nông thôn. (5) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất. Thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ, kinh tế sáng tạo. (6) Tập trung phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn trở thành động lực, không gian và cực tăng trưởng mới. (7) Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế; đảm bảo quốc phòng, an ninh.

4. Về không gian phát triển: Xác định 3 vùng chức năng, với vùng trung tâm có vai trò động lực, đột phá phát triển, là thành phố Hoa Lư (trên cơ sở hợp nhất thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư hiện nay) và thành phố Tam Điệp; 3 Hành lang phát triển gắn với các công trình hạ tầng giao thông đường bộ trọng điểm, trọng tâm của Quốc gia và của tỉnh cùng với hành lang ven biển phát triển theo trục kết nối vùng duyên hải Việt Nam.

5. Về quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn: Tỉnh Ninh Bình thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư trở thành đơn vị hành chính mới là đô thị loại I (dự kiến lấy tên là "Thành phố Hoa Lư"). Phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa với định hướng 7 đô thị trung tâm, gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II và 5 đô thị loại IV. Đối với khu vực nông thôn, sẽ phát triển hài hòa với xây dựng đô thị di sản.

6. Về phương án phát triển các khu chức năng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội: Trọng tâm là phát triển 11 khu công nghiệp; 2 khu du lịch quốc gia; 4 khu bảo tồn thiên nhiên; 2 tuyến đường cao tốc; 8 tuyến đường quốc lộ và đường bộ ven biển; 28 tuyến đường tỉnh; 2 tuyến đường sắt Bắc -Nam, 3 tuyến đường sắt chuyên dụng; 15 tuyến đường thủy nội địa; 1 cảng tổng hợp và dự trữ quỹ đất phát triển 2 sân bay chuyên dùng; hạ tầng thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phát triển nguồn điện theo Quy hoạch điện 8 và thu hút đầu tư phát triển điện khí linh hoạt. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số. Củng cố, phát triển quy mô các cơ sở y tế tuyến tỉnh chuyên sâu, hiện đại, y tế dự phòng; mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo; thiết chế văn hóa, thể thao và hạ tầng thương mại.

7. Về bảo vệ môi trường: Thực hiện phân bổ 3 vùng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp; bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên khoáng sản; khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước; kiểm soát hiệu quả các nguồn thải. Quy hoạch phân vùng rủi ro thiên tai.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được dự sự kiện tại Ninh Bình - vùng đất Cố đô ngàn năm lịch sử, "địa linh nhân kiệt", gắn liền với nhiều danh thắng nổi tiếng mang tầm dân tộc và nhân loại; là nơi bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc; chứng nhân của một giai đoạn lịch sử hào hùng thể hiện bản lĩnh, khí phách Đại Cồ Việt.

Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức và cơ bản thống nhất với nội dung Hội nghị; bày tỏ sự ấn tượng với khát vọng, ý chí, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình trong triển khai Quy hoạch tỉnh; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm về công tác quy hoạch nói chung và thực hiện quy hoạch tỉnh Ninh Bình nói riêng.

Đánh giá tổng thể về công tác quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh quy hoạch có vai trò rất quan trọng, đây không phải là việc mới, nhưng là việc khó và càng làm càng có thêm nhiều kinh nghiệm. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, công tác quy hoạch đã được tập trung đầu tư, đẩy mạnh thực hiện, có nhiều bước tiến; công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng được đẩy nhanh tiến độ (đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 110/111 quy hoạch).

Thủ tướng chỉ rõ, quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng, nhanh, bền vững, toàn diện, có lớp, có lang; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó có mặt đất, mặt nước, không gian ngầm, kết nối với các không gian khác. 

Quy hoạch phải có tư duy đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể, bao trùm, toàn diện, cả trước mắt và lâu dài. Quy hoạch phải đi trước một bước, phải đảm bảo tính lớp lang, hệ thống, khoa học, từng bước thực hiện có hiệu quả. Có nhà tư vấn tốt mới có quy hoạch tốt, có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới thực hiện đầu tư tốt, mang lại hiệu quả.

Công tác quy hoạch phải bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, vùng, khu vực, thế giới, nhất là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, việc gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, được đa số đồng tình thì đưa vào quy hoạch; bám sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp trong phát triển của tỉnh, của vùng.

Đồng thời, chú trọng 3 yếu tố quan trọng về tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch: (1) Luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; (2) Xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân. Làm mới các động lực cũ, khai thác đột phá các nguồn lực mới; (3) Phù hợp với xu thế phát triển, nhất là các xu hướng phát triển mới của các ngành, lĩnh vực, vùng, đất nước, thế giới.

Thủ tướng cũng chỉ ra những nhiệm vụ mà công tác quy hoạch cần tập trung thực hiện: Tìm ra và thúc đẩy phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh (khai thác hiệu quả, thu hút nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững); phát hiện, chỉ rõ những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục; xây dựng danh mục các dự án, chương trình để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; huy động nguồn lực thực hiện (Nhà nước, xã hội, hợp tác công tư, FDI…); tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phù hợp; thường xuyên theo dõi, giám sát; không cầu toàn, không nóng vội, làm việc gì dứt việc nấy.

Thủ tướng khẳng định, Ninh Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế, là tỉnh nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh; điểm giao cắt giữa 3 vùng (vùng Đồng bằng sông Hồng - vùng rừng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ). Tỉnh Ninh Bình là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nhiều giá trị văn hóa - lịch sử - sinh thái tự nhiên độc đáo, đặc sắc riêng: Có Cố đô Hoa Lư với di sản lịch sử - văn hóa đồ sộ, đặc sắc, phong phú, chứa đựng những giá trị độc đáo; là một trong 8 tỉnh, thành phố có Di sản thế giới và là địa phương duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sở hữu di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên - Quần thể danh thắng Tràng An,... nhiều nghề thủ công truyền thống đa dạng.

Ninh Bình cũng là 1 trong 3 trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô lớn, hiện đại của đất nước; 1 trung tâm chế biến rau quả hàng đầu Việt Nam. Dịch vụ của tỉnh phát triển mạnh mẽ, với du lịch trở thành điểm sáng, nhiều năm liền giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu và 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước, đang dần trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế. Ninh Bình là quê hương của nhiều danh nhân đất Việt tiêu biểu như: Anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh, Vua Lê Đại Hành, Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, Quốc sư Nguyễn Minh Không, Trạng Bồng Vũ Duy Thanh, Anh hùng Lương Văn Tụy, Sử gia Ninh Tốn,...

Thời gian qua, tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, kinh tế tỉnh duy trì phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,27%, đứng thứ 8 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 22 toàn quốc; quý I/2024 tiếp tục tăng ở mức 8,02%. Từ năm 2022, tỉnh Ninh Bình thực hiện tự chủ về ngân sách (năm 2023 xếp 26/63 tỉnh, thành phố, ước đạt 16.144 tỷ đồng); xuất khẩu xếp 23/63 tỉnh, thành phố. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế. Công nghiệp thực sự đã trở thành động lực trong tăng trưởng. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là hạ tầng giao thông.

Công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả tích cực (đã có 100% xã và 100% huyện, thành phố của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới). Công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 ở mức thấp (đến hết năm 2023 lần lượt là 1,86% và 2,27%; GRDP bình quân đầu người xếp 24/63). Giáo dục - đào tạo được quan tâm, chú trọng phát triển toàn diện cả quy mô và chất lượng. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại mở rộng...

Thủ tướng nhấn mạnh đây chính là nền tảng vững chắc để Ninh Bình tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên con đường phát triển và hội nhập. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong suốt chặng đường phát triển, đổi mới vừa qua, đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước.

Tuy nhiên, tỉnh còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Quy mô kinh tế nhỏ so với các tỉnh trong khu vực. Đô thị hóa thấp (dân số thành thị mới chiếm 21,5%, dân số nông thôn chiếm 78,5%). Việc phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… cần đầu tư hơn nữa. Công tác giải phóng mặt bằng và triển khai một số dự án còn chậm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp…

Theo Thủ tướng, Quy hoạch tỉnh đã mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho Ninh Bình trong bức tranh chung của các tỉnh, thành phố trong khu vực và trên cả nước. Quy hoạch tỉnh đã lựa chọn mô hình phát triển "xanh" dựa trên 4 ngành kinh tế trụ cột, 3 hành lang phát triển. Thủ tướng cho rằng, đây là lựa chọn hết sức đúng đắn, mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới. Để thực hiện Quy hoạch, tỉnh Ninh Bình cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 quyết tâm, 3 động lực".

"Một trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thực hiện quy hoạch, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, trong đó nguồn lực quan trọng nhất vẫn là con người, phát huy tối đa tính tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, văn hoá hào hùng của vùng đất Cố đô Hoa Lư.

"Hai quyết tâm" gồm: (1) Quyết tâm đầu tư, phát triển yếu tố con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để đi lên từ "bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển" của mình, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; (2) Quyết tâm phát huy vai trò kết nối của 3 vùng (vùng Đồng bằng sông Hồng - vùng rừng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ) về kinh tế, giao thông, hạ tầng, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi…

"Ba động lực" gồm: (1) Phát triển hạ tầng chiến lược; (2) Phát triển công nghiệp và dịch vụ, trong đó có công nghiệp ô tô, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản; (3) Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Đồng thời, tỉnh Ninh Bình cần phải lưu ý bảo đảm tính tuân thủ, tính đồng bộ, tính liên kết, tính ổn định, kế thừa, phát triển, tính linh hoạt, mở rộng của quy hoạch.

Phân tích thêm về một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh cần dựa vào công nghiệp và dịch vụ để bứt phá, chú trọng xây dựng giá trị thương hiệu di sản, du lịch. Nhấn mạnh Cố đô Hoa Lư, rừng Cúc Phương, Tràng An, Tam Cốc - Bích Động… là những tài sản vô giá, Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, tỉnh Ninh Bình cần mạnh dạn đổi mới, "giải phóng chính mình", giải phóng tư duy, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, tổ chức đấu thầu quản lý, khai thác các di sản để đẩy mạnh hợp tác công tư, phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân, của doanh nghiệp. "Đất, rừng, di sản, tài sản vẫn còn nguyên, vẫn là của Nhà nước, của nhân dân nhưng được bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả nhất". Thực tế, Ninh Bình đã "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể" trong phát huy truyền thống văn hóa - lịch sử, khai thác các di sản, điển hình như trong phát triển Quần thể danh thắng Tràng An, cần tiếp tục tổng kết và nhân rộng. Cùng với đó, khẩn trương xây dựng Hoa Lư thành thành phố di sản, nghiên cứu xây dựng đoàn nghệ thuật Ninh Bình… Thủ tướng cũng lấy gợi ý, tỉnh có thể ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên cho loại hình nghệ thuật truyền thống, Đại học Hoa Lư có thể mở ngành đào tạo về nghệ thuật. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hoá, giải trí, chuyển đổi số; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường …

Về hạ tầng giao thông, Thủ tướng yêu cầu Ninh Bình phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để khẩn trương hoàn thành tuyến đường cao tốc ven biển Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, con đường kết nối di sản…Thủ tướng nêu rõ, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định đó là tổ chức thực hiện hiệu quả với tư duy, tính năng động, sáng tạo, quyết tâm chính trị và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Bình, huy động trí tuệ, sức mạnh của con người Ninh Bình cho sự phát triển.

Để triển khai Quy hoạch được thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị tỉnh lưu ý phải khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai tích cực, hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch. Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh mạnh dạn trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền với tinh thần "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh".

Với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị phát huy tinh thần "ba cùng": "Cùng lắng nghe, thấu hiểu"; "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động"; "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển"; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tham gia vào công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động. Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng các bộ, ngành, các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình và các địa phương "đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải ra sản phẩm, có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được"; góp phần củng cố niềm tin, tạo khí thế mới, động lực mới cho phát triển.

Việc triển khai thực hiện quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, dài hạn, với không ít thuận lợi và khó khăn. Thủ tướng tin tưởng rằng, với truyền thống lịch sử - văn hoá, ý chí, khát vọng và lòng tự hào, tự trọng của vùng đất Cố đô, cùng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình, với thành tựu đạt được và tiếp nối đà phát triển mới trong những năm qua, với sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh, sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương, sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân, tỉnh Ninh Bình sẽ phát triển nhanh, bền vững, vươn lên mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản thiên niên kỷ trên thế giới.

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị.

Thay mặt tỉnh Ninh Bình, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc toàn bộ các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, tỉnh Ninh Bình sẽ chung sức, đồng lòng phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định lộ trình phù hợp theo phương châm "tầm nhìn xa, thực hiện từng bước", huy động giải phóng mọi nguồn lực bảo đảm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định trong quy hoạch, dựa trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển. Rà soát, lập điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu chức năng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với nội dung Quy hoạch tỉnh. 

Nhân dịp này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự ủng hộ giúp đỡ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và Hội đồng thẩm định quốc gia đã quan tâm phối hợp, giúp đỡ trong suốt quá trình Ninh Bình xây dựng và hoàn thiện quy hoạch tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, sự chủ động của các sở, ban, ngành, các địa phương và ý kiến tư vấn của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh để Quy hoạch tỉnh Ninh Bình được phê duyệt và công bố. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, sau hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh, công việc phía trước còn rất nặng nề, nhưng bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, bám sát ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ninh Bình sẽ dồn sức thực hiện bằng được các mục tiêu, tầm nhìn đã xác định trong Quy hoạch.

Tập trung xây dựng tỉnh Ninh Bình hướng đến năm 2030 về cơ bản đạt tiêu chí, năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, lấy du lịch, công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực, thúc đẩy phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp công nghệ cao, gắn với thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến rau quả có giá trị gia tăng cao; lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ; bám sát mục tiêu chiến lược, ba nền tảng phát triển, bốn trụ cột kinh tế. 

Các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược, quy hoạch tổ chức không gian phát triển hợp lý để tối đa hóa hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, huy động và kết nối các loại nguồn lực cho phát triển, nhất là các ý kiến nhấn mạnh của đồng chí Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị, như thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư, phát huy vị trí địa lý với tư cách là mắt xích, giao điểm kết nối giữa 3 vùng, các giá trị nguồn lực văn hóa, tài nguyên văn hóa, nguồn lực cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Nắm vững quán triệt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình dựa trên các cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tiềm năng khác biệt của vùng đất Cố đô. 

Thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, định hình tính chất của một thành phố công nghiệp văn hóa, thành phố du lịch, đô thị di sản thiên niên kỷ gắn với công viên hóa di sản, tài sản hóa di sản, phim trường hóa danh thắng, làm cho mỗi di sản, mỗi kiến trúc công trình, mỗi cảnh quan thiên nhiên miền Cố đô đều trở thành một công viên, một bảo tàng sống làm nên thương hiệu địa phương. 

Đồng thời, ra sức thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, quảng bá thương hiệu hình ảnh, hội nhập sâu vào mạng lưới đô thị di sản sở hữu danh hiệu UNESCO và chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là chuỗi giá trị công nghiệp văn hóa, công nghiệp cơ khí ô tô, gắn với phát triển mạnh mẽ kinh tế di sản, kinh tế thương hiệu. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ban, bộ, ngành Trung ương, góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh. 

Nguồn: https://www.tinhuyninhbinh.vn

 

Văn bản mới
Xem thêm
Liên kết Website
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

anh 5
ảnh 4
ảnh 3
ảnh 2
Ảnh 1