Trang thông tin điện tử

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Bình

Chủ nhật, 22/12/2024

Tuổi trẻ Ninh Bình tích cực tham gia số hóa di tích lịch sử, văn hóa

Thứ năm, 16/05/2024 Đã xem: 866
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Nhằm góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng thông minh, bắt kịp xu thế thời đại, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai xây dựng Công trình thanh niên "Số hóa di tích lịch sử, văn hóa", đặt mã QR tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Chùa Dầu tọa lạc tại xã Khánh Hòa (huyện Yên Khánh), được xây dựng từ thời Vua Lý Thái Tông nhưng mang đậm dấu ấn kiến trúc chùa thời Trần. Nơi đây gắn liền với các sự kiện, nhân vật lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời là điểm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân trong và ngoài tỉnh.

Nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của ngôi chùa, trong Tháng Thanh niên năm 2024, Huyện đoàn Yên Khánh đã phối hợp với các đơn vị thực hiện số hóa tại di tích này.

Công trình thanh niên được tích hợp, thiết kế thông qua 2 mã quét QR cho 2 phiên bản tiếng Việt-tiếng Anh. Người dân và du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể dễ dàng tìm hiểu, cập nhật thông tin tổng quan về di tích như: niên đại xây dựng, lịch sử hình thành, nét đẹp kiến trúc, giá trị lịch sử, văn hóa,…

Đồng chí Nguyễn Văn Khuê, Bí thư Huyện đoàn Yên Khánh cho biết: "Trong Tháng Thanh niên năm nay, tuổi trẻ địa phương thực hiện gắn mã QR tại 3 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện gồm Lăng mộ đồng chí Vũ Duy Thanh (làng Vân Bòng, xã Khánh Hải), Đền Đức Đệ Nhị (thôn Bùi, xã Khánh An) và Chùa Dầu (xóm Chùa, xã Khánh Hòa). Để có dữ liệu đầy đủ, chính xác về các di tích, Huyện đoàn đã phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện, Đoàn cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin, từ đó biên tập, thiết kế rõ ràng, chi tiết để người dân, khách du lịch có thể tra cứu thông qua mã QR".

Huyện Yên Khánh có 12 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 57 di tích cấp tỉnh. Huyện đoàn Yên Khánh đạt mục tiêu chuẩn hóa thông tin và tạo mã QR tại tất cả các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia trong năm nay.

Hoa Lư là địa phương có lợi thế du lịch, được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử, văn hóa lâu đời. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tuổi trẻ Hoa Lư đã tích cực quảng bá, giới thiệu cảnh đẹp quê hương trên môi trường số. Huyện đoàn phối hợp triển khai 10 mã QR tại các điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn như chùa Bích Động, Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Tràng An, đền Thái Vi...

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Yến, Bí thư Huyện đoàn Hoa Lư thông tin: "Mỗi năm, Hoa Lư đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước tham quan, du lịch. Việc số hóa các di tích lịch sử, văn hóa giúp cung cấp thông tin, hình ảnh, tài liệu về di tích, địa danh lịch sử tới du khách nhanh chóng, sinh động, hiệu quả.

Các công trình thanh niên là cầu nối đưa di tích đến gần hơn với cộng đồng, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử tại địa phương, quảng bá hình ảnh di tích đến với nhiều người. Các cơ sở Đoàn đang tiếp tục khảo sát, triển khai công trình thanh niên, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho nhiều đối tượng".

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tích cực thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, điểm nhấn là số hóa tài liệu, thông tin về các địa danh lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ... Từ khảo sát nhu cầu thông tin của du khách khi đến tham quan các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, Đoàn cơ sở lựa chọn điểm triển khai công trình đảm bảo thiết thực, hiệu quả; chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tổng hợp, biên tập và xây dựng thành ấn phẩm tuyên truyền được số hóa trong các mã QR.

Tại các địa điểm, mã QR được thiết kế, xây dựng dưới dạng panô, biển bảng giới thiệu và được tuyên truyền sâu rộng trên các kênh thông tin, mạng xã hội. Việc triển khai được các cấp bộ Đoàn thực hiện điểm tại một số di tích, sau đó nhân rộng, gắn với việc rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng của hệ thống mã QR.

Đến nay, đã có 55 công trình thanh niên gắn mã QR tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa. Không chỉ cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, đây còn là cách quảng bá, giới thiệu lịch sử, văn hóa tới người dân, du khách khi tới tham quan các điểm du lịch. Số hóa di tích được ví như cuốn cẩm nang du lịch số, mang đến trải nghiệm tiện lợi và hữu ích cho du khách, đồng thời khẳng định vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ Ninh Bình trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa-du lịch.

Văn bản mới
Xem thêm
Liên kết Website
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

anh 5
ảnh 4
ảnh 3
ảnh 2
Ảnh 1