Trang thông tin điện tử

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Bình

Thứ sáu, 13/12/2024

Những kết quả nổi bật qua 2 năm triển khai Đề án 06 ở Ninh Bình

Thứ sáu, 05/01/2024 Đã xem: 726
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Qua 2 năm thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả nổi bật, làm tiền đề, nền tảng vững chắc cho việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số tại địa phương.

Với quyết tâm cao, Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, đảm bảo tiến độ đề ra.

Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 10/4/2023 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023 và những năm tiếp theo. 

Hai nghị quyết được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua về triển khai thực hiện Đề án 06 là: Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 quy định chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 96/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành Quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành cấp 838.490 thẻ Căn cước công dân gắn chíp cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh, đạt 100%; hoàn thành trước thời gian Bộ Công an giao 67 ngày (là 1 trong 5 tỉnh hoàn thành sớm nhất toàn quốc). Đã cấp 689.602 tài khoản định danh điện tử, kích hoạt 528.325/448.959 tài khoản; vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao 117% (là 1 trong 20 tỉnh, thành phố hoàn thành vượt chỉ tiêu). Đã chỉ đạo quyết liệt việc "làm sạch" dữ liệu thông tin dân cư, 100% thông tin công dân trên địa bàn đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống".

Ninh Bình là một trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hoàn thành kết nối với 19 hệ thống cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, xác thực 274.227 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đảm bảo tiến độ và yêu cầu triển khai đối với việc thực hiện 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. 

Đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Bộ Công an về triển khai 43 mô hình ứng dụng các tiện ích của định danh điện tử (VNeID) trong giải quyết thủ tục hành chính và trong đời sống xã hội, trong đó có 13 mô hình đạt hiệu quả cao như: Mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại cơ sở kinh doanh lưu trú; mô hình phản ánh tình hình an ninh trật tự từ tài khoản định danh điện tử VNeID; mô hình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân đã có 190/190 cơ sở khám, chữa bệnh trang bị máy móc, thiết bị để người dân sử dụng Căn cước công dân thẻ chíp khám, chữa bệnh. Lũy kế đã có 919.021 trường hợp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được của Đề án qua triển khai thực hiện 5 nhóm tiện ích và phát triển các mô hình điểm trên địa bàn tỉnh, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý, hạ tầng hệ thống và nguồn nhân lực. 

Về pháp lý: Hiện nay, các bộ, ngành đã triển khai các hệ thống thực hiện thủ tục hành chính nhưng vẫn chưa hoàn thành kết nối, đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh làm phát sinh tình trạng cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện cập nhật trên nhiều hệ thống, gây lãng phí thời gian, chi phí, nguồn lực, giảm năng suất lao động.

Về hạ tầng, hệ thống: Hạ tầng công nghệ thông tin đã được đầu tư cơ bản nhưng chưa đồng bộ, các trang thiết bị đầu cuối (máy tính, máy photo, máy in, máy scan...) đã được trang bị nhưng nhiều thiết bị đã sử dụng từ lâu nên bị sự cố, hỏng hóc phải thường xuyên sửa chữa, khắc phục.

Vê nguồn lực: Nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, nhất là tại cơ sở, xã, phường, thị trấn còn thiếu và trình độ công nghệ thông tin, kỹ năng số còn hạn chế.

Vì vậy, trong thời gian tới, một số nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục tập trung triển khai và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Đó là: Đẩy mạnh việc thực hiện tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, số hóa 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục tuyên truyền, tập huấn nâng cao trình độ về công nghệ thông tin, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, thôn xóm, tổ dân phố tham gia thực hiện Đề án 06.

Đẩy mạnh các giải pháp thường xuyên làm sạch dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu về hộ tịch, đất đai, người lao động và các cơ sở dữ liệu người cao tuổi, cựu chiến binh, hội nông dân...

Ứng dụng rộng rãi các tiện ích của định danh điện tử (VNeID), Căn cước công dân thẻ chíp trong thực hiện thủ tục hành chính và trong đời sống xã hội phục vụ người dân, doanh nghiệp (triển khai thực hiện 43 mô hình theo Kế hoạch phối hợp ngày 2/8/2023 giữa Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và UBND tỉnh).

Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành để kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống giải quyết thủ tục hành chính quốc gia, các tỉnh, thành phố; nâng cấp, cập nhật phần mềm 2 dịch vụ công liên thông đảm bảo đồng bộ đủ các tính năng phục vụ giải quyết thủ tục hành chính được thuận lợi.

Nguồn: (Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh)

Văn bản mới
Xem thêm
Liên kết Website
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

anh 5
ảnh 4
ảnh 3
ảnh 2
Ảnh 1