Trang thông tin điện tử

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Bình

Chủ nhật, 22/12/2024

Lấy người dân làm trung tâm trong chuyển đổi số

Thứ hai, 26/02/2024 Đã xem: 1448
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, hoạt động chuyển đổi số đã và đang được triển khai hiệu quả, nhất là mục tiêu xây dựng công dân số.

Chuyển đổi số cần bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực, từ đó lan tỏa được công nghệ số đến với mọi ngõ, ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội. Bằng đa dạng hình thức tuyên truyền về chuyển đổi số tới người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã, các Tổ công nghệ số cộng đồng, qua hệ thống truyền thông đại chúng… đã giúp đa số người dân dần tiếp cận được nền tảng số. 

Đồng chí Nguyễn Đức Hải, công chức Văn phòng HĐNDUBND xã Thạch Bình (Nho Quan) cho biết: UBND xã Thạch Bình đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân bằng nhiều hình thức thiết thực. Nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, công dân; phát huy vai trò thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc hướng dẫn, hỗ trợ từng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ đảm bảo cho công dân đúng hoặc sớm hạn. Năm 2023, xã Thạch Bình đã giải quyết TTHC đạt trên 90% dịch vụ công trực tuyến. 

Đáp ứng xu hướng sử dụng thiết bị di động thông minh cho việc đăng ký thủ tục hành chính, tra cứu thông tin, thanh toán dịch vụ trực tuyến… ngày càng nhiều, đòi hỏi thiết bị được kết nối online thường xuyên. Vì vậy, tại các cơ quan, công sở trong tỉnh đã đầu tư hạ tầng công nghệ, lắp đặt các vùng phát wifi miễn phí để phủ sóng cho người dân thực hiện các dịch vụ công, thúc đẩy chuyển đổi số, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. 

Đồng chí Mai Trọng Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) cho biết: Được chọn là một trong 2 xã của huyện Yên Khánh thực hiện điểm về chuyển đổi số năm 2021, xã xác định đây chính là cơ hội vàng để cán bộ và Nhân dân bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số. Khánh Nhạc đã tập trung phát triển và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối wifi tại trụ sở xã, phát triển một số ứng dụng, nền tảng số, dữ liệu số, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và tổ chức. Từ đó tạo thuận lợi trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và nâng cao kỹ năng số cho Nhân dân. Một trong hoạt động thúc đẩy hình thành kỹ năng số cho Nhân dân chính là tạo phong trào ứng dụng các nền tảng công nghệ số nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng số, góp phần xây dựng xã hội số trong tiến trình chuyển đổi số của địa phương nhanh, bền vững. 

Ông Trần Văn Tiên, xóm 1, xã Định Hóa (Kim Sơn) cho biết: Vừa qua, tôi được các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xóm tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt App công dân số-My Ninh Bình. Trên ứng dụng đã tích hợp đầy đủ thông tin cá nhân cũng như các dịch vụ kết nối với chính quyền như: Tài khoản định danh điện tử VneID; dịch vụ công; các dịch vụ hỗ trợ người dân tìm kiếm địa điểm; thanh toán trực tuyến; kết nối người dân-chính quyền, có mục để người dân nêu phản ánh kiến nghị và lấy ý kiến người dân về các hoạt động của chính quyền địa phương… Qua App này giúp người dân chủ động trong các giao dịch công, giao tiếp với chính quyền địa phương nhanh chóng, thuận tiện, giảm thời gian, chi phí đi lại. 

Ninh Bình đang nỗ lực phát triển lớp công dân số, hướng tới mọi công dân Ninh Bình đều sử dụng công nghệ trong thực hiện các thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến hết năm 2023, Ninh Bình đã hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác, sử dụng và tổ chức quản lý, vận hành đảm bảo ổn định, an toàn, hiệu quả các nền tảng số (Hệ thống thông tin) dùng chung quy mô cấp tỉnh phục vụ xây dựng, phát triển Chính quyền số. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được triển khai và duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả cho 172 cơ quan, đơn vị từ tỉnh tới cấp xã trên địa bàn tỉnh. 

UBND tỉnh đã công bố danh mục dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình, danh mục DVC trực tuyến một phần, danh mục dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Ninh Bình. Trong đó, thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã là 1.862 dịch vụ (DVC trực tuyến toàn trình là 1.151 dịch vụ; DVC trực tuyến một phần là 445 dịch vụ; dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến 266 dịch vụ); thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn là 133 dịch vụ (DVC trực tuyến toàn trình là 70 dịch vụ; DVC trực tuyến một phần là 63 dịch vụ). Tỷ lệ tích hợp DVC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đạt 100%. Tỷ lệ tích hợp DVC trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 83%. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến toàn tỉnh đạt 70,26%. 

Năm 2023, kinh tế số tỉnh Ninh Bình tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân là 0,20 (đứng thứ 28/63 tỉnh thành/phố); tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt khoảng 30%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt khoảng 50%. Số tài khoản được mở (active) trên các sàn thương mại điện tử (postmart.vn và voso.vn) là 110.162 tài khoản, với 1.840 sản phẩm đưa lên sàn và 24.699 lượt giao dịch, đạt giá trị trên 5,2 tỷ đồng. 

Ninh Bình đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia giao về phát triển xã hội số, như: Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt khoảng 160% (1 người có thể mở nhiều tài khoản); tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh có Hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt 40%; tỷ trọng thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt đạt khoảng 50%; tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt khoảng 89,1%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 70,8%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet đạt 90%. 

Hiện nay, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đang tích cực, chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số, từng bước tham gia cài đặt và sử dụng các dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia sàn thương mại điện tử... phục vụ thiết thực cho công việc và cuộc sống.

Nguồn: Baoninhbinh.org.vn

Văn bản mới
Xem thêm
Liên kết Website
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

anh 5
ảnh 4
ảnh 3
ảnh 2
Ảnh 1