Trang thông tin điện tử

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Ninh Bình

Thứ sáu, 13/12/2024

Hoàn thành đúng tiến độ mô hình chuyển đổi số cấp xã (phiên bản 1.0)

Thứ tư, 10/01/2024 Đã xem: 960
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Kế hoạch số 164/KHUBND, ngày 3/10/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện mô hình chuyển đổi số cấp xã (phiên bản 1.0) đã xác định mục tiêu đến hết năm 2023, thực hiện chuyển đổi số cho 50% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn mỗi huyện, thành phố. Đến hết năm 2023, mục tiêu này đã được hoàn thành đúng tiến độ, có ý nghĩa lớn và là tiền đề quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số của tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch, tỉnh Ninh Bình xác định chuyển đổi số ở cấp xã trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; đáp ứng mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã, có khả năng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh hơn, chất lượng hơn, ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, phát huy tối ưu các nguồn lực sẵn có; nâng cao kỹ năng số cho người dân, mở rộng cơ hội tiếp cận với các dịch vụ, công nghệ số, giúp người dân tương tác với chính quyền được thuận lợi hơn, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và các nét văn hóa đặc trưng của địa phương trên môi trường số. 

Đến thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận "Một cửa" xã Khánh Nhạc (Yên Khánh), chị Vũ Thị Lan, xóm 4 cho biết: Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến không có gì mới lạ với chúng tôi vì thủ tục được cập nhật công khai trên Trang thông tin điện tử của xã, quy trình giải quyết nhanh gọn, đỡ các thủ tục về giấy tờ… Khánh Nhạc là 1 trong 13 xã được chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi số cấp xã từ năm 2021. 

Đến nay, xã đã thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Thuận lợi của xã là trụ sở khang trang, điều kiện làm việc, các trang thiết bị đều cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số: máy tính, máy photocopy, máy scan; cán bộ thực hiện nhiệm vụ được cung cấp phần mềm chuyên dụng trong giải quyết TTHC cho người dân trên môi trường mạng, người dân không phải đi lại, chờ đợi, được giải quyết công việc một cách thuận tiện, chính xác, nhanh chóng; 100% cán bộ, công chức xã được cấp chữ ký số, thực hiện tốt việc tiếp nhận văn bản trên hệ thống… Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân việc thực hiện các TTHC trực tuyến để người dân hiểu, có sự phối hợp hiệu quả. 

Tại xã Khánh Nhạc, hiệu quả từ chuyển đổi số đem lại có thể thấy rõ từ việc thực hiện giải quyết TTHC của người dân cho đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Điển hình là tại HTX Hợp Tiến, chuyển đổi số đã tạo thuận tiện trong giao dịch, bán hàng của HTX. Thông qua sàn thương mại điện tử, HTX đã đưa sản phẩm gạo chất lượng cao như ST25, Tiến vua… tiếp cận với khách hàng khắp cả nước, góp phần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. 

Bên cạnh đó, trong thực hiện 10 khâu dịch vụ, HTX đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các dịch vụ sấy, phun thuốc, gieo hạt…, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào trong sản xuất cho bà con nông dân. Khánh Nhạc cũng là địa phương đã thực hiện chuyển đổi số hiệu quả trong lĩnh vực y tế với việc ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và lĩnh vực giáo dục với việc ứng dụng Học bạ điện tử. 

Tại xã Ninh Thắng (Hoa Lư), cùng với việc thực hiện tốt quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản trong hệ thống chuyển nhận văn bản và đáp ứng được việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, 100% cán bộ, công chức xã được cấp chứng thư số và cơ bản thực hiện ký văn bản điện tử theo quy định. 

Ông Trịnh Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Ninh Thắng đã thành lập các nhóm Zalo để triển khai công việc hàng ngày như: nhóm Ban Chấp hành Đảng bộ, nhóm cán bộ, công chức UBND, HĐND xã; tại các thôn, xóm cũng thành lập các nhóm Zalo do trưởng thôn là trưởng nhóm, các thành viên do các hộ gia đình cử một đại diện tham gia. Từ các nhóm Zalo, nhiều công việc như: chuyển giấy mời, thông báo lịch họp, hội nghị, triển khai chủ trương, chính sách mới… đều thực hiện trên môi trường mạng. Qua đó giúp hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện hơn, giảm các thủ tục về giấy tờ. Đồng thời, giúp cán bộ, công chức xã xây dựng thói quen làm việc trên môi trường mạng. 

Cũng thông qua mạng Internet, nhiều hoạt động của địa phương đã được con em xa quê nắm bắt và tiếp nhận thông tin nhanh, từ đó có sự tham gia hoặc đóng góp tích cực vào các phong trào, hoạt động của địa phương như hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, ủng hộ các quỹ…, đồng thời theo dõi được quá trình hoạt động, phát triển của địa phương. 

Để người dân tham gia sâu hơn vào quá trình chuyển đổi số, không chỉ bó hẹp ở các hoạt động tại các cơ quan chính quyền cơ sở mà việc ứng dụng công nghệ, đưa mạng Internet đến gần hơn với đời sống Nhân dân được đẩy mạnh. 

Tại nhiều địa phương vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh, người dân đã biết khai khác, tìm hiểu các thông tin trên mạng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt…, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Đến hết năm 2023, tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám, chữa bệnh và theo dõi sức khỏe đạt gần 90%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet đạt 90%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang đạt 70,8%; tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh đạt 89,1%. Người dân bước đầu đã làm quen với khái niệm chuyển đổi số, từng bước cài đặt và sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như: y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia sàn thương mại điện tử... 

Bên cạnh đó, thông qua việc giải quyết TTHC hàng ngày tại bộ phận "Một cửa", người dân tiếp tục được hướng dẫn các thao tác, thủ tục để có thể ở nhà cũng tự thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Có thể nói, hoạt động chuyển đổi số năm vừa qua đã huy động được sự tham gia, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp. 

Các địa phương đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đảm bảo thiết thực, hiệu quả để thực hiện chuyển đổi số ở cấp xã nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của lãnh đạo, các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, cách thức, phương thức làm việc của cán bộ, công chức tại cấp xã, an toàn, hiệu quả trên môi trường số; cung cấp, phát triển các dịch vụ thông minh, tiện ích để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, tham gia các hoạt động trên môi trường số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. 

Kết quả đạt được của các địa phương trong năm 2023 là tiền đề quan trọng để năm 2024 phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hoàn thành chuyển đổi số.

Nguồn: Baoninhbinh.org.vn

Văn bản mới
Xem thêm
Liên kết Website
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Khảo sát ý kiến

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào?

anh 5
ảnh 4
ảnh 3
ảnh 2
Ảnh 1